Những trận quyết đấu cam go

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong lúc Thủ tướng Pháp Manuel Valls thừa nhận thất bại của đảng cánh tả trong cuộc bầu cử địa phương, thì tại Anh, chiến dịch vận động cho cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 7/5 tới cũng chính thức diễn ra.

Cả hai cuộc bầu cử này dù khác nhau về quy mô, thời gian tổ chức nhưng đều mang tính chất quyết định đối với tương lai của Pháp, Anh và toàn châu Âu.

Trò chơi chính trị nguy hiểm

Thủ tướng Anh David Cameron hôm 30/3 đã đề nghị Nữ hoàng Elizabeth II giải tán Quốc hội, chính thức khởi động chiến dịch tranh cử được nhận định là khó dự đoán nhất trong nhiều năm qua. Đúng như thủ lĩnh của Công đảng và đảng Bảo thủ tuyên bố, cuộc bầu cử lần này là “một trận đấu gay cấn và khó chơi”, bầu không khí chính trường nước Anh đã nóng lên ngay trong ngày tranh cử đầu tiên. Kết quả thăm dò dư luận mới được công bố cho thấy, 2 đảng đang bám sát nhau trong cuộc tranh cử và chỉ cần một, hai lá phiếu sẽ giúp một trong 2 đảng thành thế lực kiểm soát Quốc hội. Để thu thập từng lá phiếu, xe bus vận động tranh cử của đảng Bảo thủ cầm quyền đã được triển khai trên khắp đất nước, trong khi đó, các thành viên của Đảng sẽ đến từng gia đình cử tri để kêu gọi sự ủng hộ.
Thủ tướng Anh David Cameron.
Thủ tướng Anh David Cameron.
Nhiều nhà quan sát nhận định, từ nay đến ngày 7/5, chính trường tại đảo quốc sương mù sẽ được hâm nóng bởi hầu hết các vấn đề tranh cử lớn như chính sách thắt lưng buộc bụng, nhập cư, khả năng cải thiện các dịch vụ y tế… đều ghi nhận sự đối đầu về quan điểm giữa 2 đảng. Đặc biệt, việc nước Anh “ở lại hay rời bỏ” Liên minh châu Âu (EU) cũng là chủ đề được cử tri rất quan tâm. Trong khi Thủ tướng Cameron cam kết sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU của Anh và đấu tranh vì một sự cải tổ của EU nếu tái đắc cử, thì thủ lĩnh đối lập Ed Miliband lại cho rằng, không gì tồi tệ cho đất nước hơn việc tham gia “trò chơi chính trị” này.

Sự trừng phạt của cử tri

Tại Pháp, kết quả của cuộc bầu cử hội đồng tỉnh vòng 2 diễn ra hôm 29/3 đã làm rúng động chính trường nước này với chiến thắng vang dội của cánh hữu, mở đường cho sự quay lại cuộc đua vào điện Elysée của cựu Tổng thống Nicolas Schakozy. Theo đó, nhiều tỉnh vốn thuộc quyền kiểm soát của đảng Xã hội (PS) cầm quyền đã rơi vào tay phe trung hữu đối lập Liên minh vì Phong trào nhân dân (UMP) và Liên minh Dân chủ - Độc lập (UDI).

Việc cánh tả bị mất gần một nửa trong số 61 tỉnh đang nắm quyền kiểm soát trong tổng số 101 tỉnh trên toàn nước Pháp dù được Thủ tướng Manuel Valls lý giải là do sự chia rẽ trong nội bộ nhưng cũng buộc phải thừa nhận rằng, kết quả này là sự trừng phạt của cử tri đối với đảng PS cầm quyền. Thông qua lá phiếu hoặc không đi bỏ phiếu, cử tri Pháp đã bộc lộ rõ sự giận dữ và mệt mỏi với việc chính quyền chưa giải quyết được tình cảnh khó khăn của đất nước như tình trạng thất nghiệp, giá cả đắt đỏ, nhiều loại thuế. Thủ tướng Pháp cũng cảnh báo, đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) tuy không giành được quyền lãnh đạo tại bất kỳ tỉnh nào nhưng xu hướng ủng hộ đảng FN đang gia tăng tại nhiều địa phương là một sự đe dọa đối với nước Pháp. Để bà Marine Le Pen - Chủ tịch đảng trở thành một ẩn số nguy hiểm tại tại cuộc bầu cử Tổng thống năm 2017, ông Valls cam kết là chính phủ Pháp sẽ quyết tâm cao nhất để lấy lại niềm tin của cử tri.