Những “tử thần” giấu mặt

Đinh Đức Hùng - Xã Văn Phú, huyện Thường Tín, Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặt đường bộ đô thị Hà Nội hiện tồn tại khá nhiều hố ga, ổ gà và miếng vá đường. Người điều khiển xe gắn máy vì thế rất dễ gặp sự cố nếu không chú ý quan sát, đặc biệt trong điều kiện thời tiết xấu.

Luồn lách tránh “hố tử thần”
Tại các đô thị như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh không khó để bắt gặp các hố ga trên mặt đường. Điều đáng nói, nhiều nắp đậy hố ga không đảm bảo an toàn. Khi thi công xong, hố ga thường không được làm bằng phẳng mà nhấp nhô hoặc láng lại với chất lượng kém, dễ nứt vỡ gây mất an toàn giao thông. Thêm đó, rất nhiều ổ gà xuất hiện trên đường, thậm chí có thể gọi là “ổ voi", "ổ trâu” tại một số tuyến đường như đoạn đường khu Định Công, đường Cầu Giấy, đường ven đê sông Hồng ở Thường Tín.

Khi xe máy đi vào ổ gà, hố ga trên đường rất dễ bị đánh tay lái và ngã, kể cả đối với người có tay lái chắc. Đó là chưa kể trường hợp đi phía sau là một chiếc ô tô, 90% tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng có thể xảy ra. Ví dụ điển hình như đoạn đường từ Ngọc Hồi tới Văn Điển, cầu vượt phố Vọng, đoạn đường thoạt đầu trông có vẻ rộng đẹp, nhưng khá gồ ghề, tiềm ẩn mất ATGT.

Hố ga mở nắp trên đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Công Hùng

Trong khi đó, các tuyến đường đang thi công đường sắt trên cao như Trần Phú (Hà Đông), Láng, Xuân Thủy, Hồ Tùng Mậu... cũng đang xuống cấp, mặt đường gồ ghề, lồi lõm, chi chít các hố sâu. Các phương tiện lưu thông trên các tuyến đường này đều phải rất cẩn trọng để né tránh. Những ngày mưa lớn, nhiều người chạy xe mô tô “lội nước” bị sụp “ổ gà” té ngã. Nước đọng thành vũng kéo dài hai bên lề đường, vào giờ cao điểm khiến người đi xe máy buộc phải chạy lấn vào làn xe ô tô, nguy cơ xảy ra TNGT rất cao.

Thậm chí, có hiện tượng không ít hố ga sau khi được tu sửa, nhưng đơn vị thi công lắp lại một cách nham nhở, vênh, mặt nắp quá trơn, thiếu độ ma sát. Hơn nữa, các mảnh vá đường thường không khít với đường cũ, cao hoặc thấp hơn, chỉ cần xe máy đi vào vết hàn đó cũng dễ gây đổ xe.

Kiểm tra kỹ sau tu bổ

Theo các chuyên gia, về góc độ chuyên môn, "ổ voi", ổ gà hay các hố ga ở nhiều tuyến đường Hà Nội được khắc phục, nhưng không đảm bảo đúng quy chuẩn. Ở nước ngoài, họ quản chặt ngay từ khâu lựa chọn vật liệu xây dựng, nên các tuyến đường hầu như rất ít phải sửa chữa. Trước mắt, các cơ quan chức năng cần rà soát lại các nắp hố ga trên đường, kịp thời sửa chữa, thay thế. Ngoài ra, cần ban hành quy chuẩn khi vá, sửa đường, giám sát chặt chẽ đơn vị thi công để sau khi vá đường xong, độ vênh giữa mặt đường cũ và mặt đường mới không cao.

Một giải pháp lâu dài mang tính tổng thể là hạ trọng tải của các xe trọng tải lớn vào nội thành, đường đê, đường đông dân cư. Hiện nay, xe tải trọng lớn vào khu vực qua Vành đai 3 buổi tối đi rất ẩu, chở nhiều vật liệu xây dựng cày phá đường nội đô. Có rất nhiều đoạn đường yếu, xe chở vật liệu xây dựng đi vào, sau một thời gian cày nát quãng đường, gây ra các "ổ voi" nguy hiểm. Các đoạn đường chắp vá lại, thì tuổi thọ cũng không cao, nên phải giám sát chặt khâu quy hoạch, rót vốn, giải ngân đến thi công.

Trước khi đường được sửa chữa nâng cấp, người dân tham gia giao thông cần hết sức chú ý khi điều khiển xe tham gia giao thông. Đồng thời, tạo khoảng cách an toàn với các xe phía trước, tránh bị gặp các chướng ngại vật bất ngờ và luôn đội mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn khi lái xe.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần