70 năm giải phóng Thủ đô

Những vấn đề “nóng” tại cuộc họp thường niên 2021 của IMF và WB

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới chuyên gia kỳ vọng cuộc thường niên của IMF và WB sẽ tháo gỡ những khó khăn trong việc phân phối vaccine Covid-19, tái phân bổ nguồn tài chính cho các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp đang gặp khó khăn về kinh tế.

Các cuộc họp thường niên của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ diễn ra từ ngày 11-17/10 tại Washington, Mỹ. Trong đó các quan chức sẽ thảo luận về nền kinh tế toàn cầu, đại dịch Covid-19 đang diễn ra và các vấn đề thuế suất doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu.
 Các cuộc họp thường niên của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ diễn ra từ ngày 11-17/10 tại Washington, Mỹ.
Các chuyên gia kinh tế đã dự báo những vấn đề trọng tâm sẽ được lãnh đạo IMF và WB thảo luận trong cuộc họp thường niên năm nay:
1. Nỗ lực thu hẹp bất bình đẳng vaccine Covid-19?
Theo thống kê, hiện mới chỉ khoảng 4% người dân tại châu Phi được tiêm chủng vaccine đầy đủ, cho thấy sự chênh lệch rất lớn về tỷ lệ bao phủ vaccine giữa các quốc gia giàu và nghèo.
Amanda Glassman, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, cho biết vấn đề bất bình đẳng vaccine một phần là do thiếu sự lãnh đạo toàn cầu trong việc triển khai chương trình tài trợ vaccine cho các nước nghèo.
Eric LeCompte, Giám đốc điều hành Mạng lưới Jubilee USA, cho biết ông đang chờ đợi xem liệu các nước giàu có nhất thế giới có đưa ra các cam kết tài trợ nhiều hơn cho chương trình hỗ trợ vaccine cho các nước thu nhập thấp, đặc biệt tại khu vực châu Phi.
Ông LeCompte cũng bày tỏ lo ngại rằng nếu IMF và WB không thúc đẩy các chính phủ hành động ngay bây giờ, việc triển khai hỗ trợ vaccine trên toàn cầu sẽ tiếp tục bị trì hoãn, và có khả năng không thực hiện mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là tiêm chủng cho 70% dân số của mỗi quốc gia vào giữa năm 2022.
2. Sẽ giảm nợ cho các nước thu nhập trung bình?
Về cơ bản, các cơ chế giảm nợ và hỗ trợ mà WB và IMF cung cấp cho các quốc gia đang gặp khó khăn trong việc ứng phó hiệu quả với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh này, đây sẽ là trọng tâm của các cuộc thảo luận trực tuyến tại các Cuộc họp thường niên. 
Chuyên gia LeCompte nói rằng ông đặc biệt lo ngại về tỷ lệ nghèo đang gia tăng tại các nước có thu nhập trung bình và muốn thấy hành động hỗ trợ cụ thể hơn từ WB.
Hiện một số nước thu nhập trung bình không đủ điều kiện để được xóa nợ. Theo báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, 72 nền kinh tế đang phát triển đang có nguy cơ rơi vào tình trạng “mắc nợ cao”, trong đó một số nền kinh tế đang đối mặt với viễn cảnh khủng hoảng nợ sẽ kéo dài trong nhiều năm.
IMF cảnh báo rằng các chính phủ các nước phải đảm bảo vừa thực hiện trả nợ vừa phải duy trì các gói hỗ trợ tài chính để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch Covid-19.
Câu hỏi đặt ra là liệu IMF có tìm được giải pháp để thúc đẩy chi tiêu của các nước thu nhập trung bình và giúp những nước này vượt qua thời kỳ suy thoái của đại dịch hay không?
3. Xem xét lại Quyền Rút vốn Đặc biệt?
Ngày 23/8, IMF đã thông báo quyết định về mức phân bổ chung mới dành cho Quyền Rút vốn đặc biệt (SDR) lớn nhất trong lịch sử với tổng trị giá 650 tỷ USD. SDR được phân bổ dựa theo quy mô nền kinh tế của một quốc gia và đóng góp của quốc gia đó vào dự trữ của IMF, vì vậy, các quốc gia giàu có hơn sẽ nhận được khoản phân bổ nhiều hơn. Tuy nhiên, những quốc gia giàu có hơn không cần khoản phân bổ này có thể chuyển chúng cho những quốc gia nghèo hơn. 
Theo giám đốc IMF, mức phân bổ SDR mới sẽ giúp tăng cường thêm tính thanh khoản cho hệ thống kinh tế toàn cầu, bổ sung cho nguồn dự trữ ngoại hối của các quốc gia. Các quốc gia có thể sử dụng tiềm lực từ SDR để hỗ trợ nền kinh tế và thúc đẩy cuộc chiến chống khủng hoảng hiện nay.
Nadia Daar - Giám đốc Văn phòng Oxfam International tại Washington, nhận định: “Tại cuộc họp thường niên tại Washington trong tuần này, chúng tôi sẽ theo dõi xem các nước giàu sẽ sử dụng SDRs của họ như thế nào để tối đa hóa hiệu quả từ chương trình hỗ trợ lớn nhất trong lịch sử của IMF”.
Các cuộc đàm phán về vấn đề này có thể sẽ được tổ chức bên lề các cuộc họp thường niên của IMF và WB. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm nhất là liệu các nền kinh tế phát triển có thể sử dụng quyền phân phối lại SDR làm lý do để rút lại các khoản đóng góp hoặc các khoản cho vay ưu đãi khác./.