Cây trồng chủ lực cho giá trị kinh tế cao
Hiện, Hà Nội đã hình thành các vùng trồng chuối chuyên canh, chất lượng cao đủ điều kiện xuất khẩu tới một số quốc gia như: Hàn Quốc, Nhật Bản… Thời điểm hiện tại, diện tích trồng chuối của Hà Nội đã lên tới gần 4.000ha, tập trung chủ yếu tại các huyện: Phúc Thọ, Gia Lâm, Ba Vì với hơn 70% diện tích trồng các giống chuối nuôi cấy mô.
Nhiều năm nay, vùng chuyên canh chuối 300ha của huyện Ba Vì ven sông Hồng, sông Đà tại các xã như: Minh Châu, Chu Minh, Thuần Mỹ… đã mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân địa phương.
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quy trình sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản theo tiêu chuẩn VietGAP (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam), cây chuối đã cho thu nhập 300 - 350 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/ha/năm.
Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thuần Mỹ Nguyễn Thị Nụ cho hay, diện tích trồng chuối của hợp tác xã được trồng sạch theo quy trình khép kín, sử dụng phân bón là chất thải hữu cơ trong sản xuất được tận dụng.
Cùng với xuất khẩu trái chuối tươi, hợp tác xã đã đầu tư nhà sơ chế, chế biến cùng hệ thống dây chuyền thu hoạch chuối, máy chế biến nông sản khô, máy chế biến dẻo các loại nông sản, hệ thống kho lạnh để làm sản phẩm chế biến từ chuối.
Sắp tới, hợp tác xã tham gia kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp khi nghiên cứu sử dụng phụ phẩm: Bẹ chuối, xơ, sợi chuối sấy khô làm nguyên liệu để làm ra sản phẩm tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ thân thiện môi trường, tiêu thụ tốt cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu.
Tại xã Hoàng Kim (huyện Mê Linh) với 270ha trồng chuối, đây được coi là thủ phủ trồng chuối của Hà Nội. Là một trong những hộ có diện tích trồng chuối lớn nhất tại địa phương, anh Sái Văn Triệu, ở xã Hoàng Kim đang trồng 70ha chuối tây chuyên xuất khẩu sang Trung Quốc. Trung bình mỗi năm, gia đình anh Triệu thu hoạch và xuất bán 280 tấn chuối, trừ các khoản chi phí, cho thu lãi 1 tỷ đồng.
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa, cây chuối đang là cây trồng chủ lực, giúp nông dân làm giàu, khai thác tốt tiềm năng đất đai của địa phương.
Đặc biệt, những năm gần đây diện tích chuối cấy mô xuất khẩu tăng nhanh do có nhiều lợi thế như cho lợi nhuận cao hơn nhiều cây trồng khác, là cây trồng hằng năm nên nông dân dễ điều chỉnh mùa vụ thu hoạch. Trong trường hợp loại cây này không phù hợp hoặc giá xuống quá thấp thì có thể dễ dàng chuyển sang mô hình sản xuất khác.
Nâng chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch
Thời gian qua, Hà Nội tập trung nhân rộng diện tích được cấp mã số vùng trồng theo chuẩn thị trường xuất khẩu chính ngạch để giúp cây chuối phát triển bền vững hơn. Nhờ đó, diện tích chuối tăng rất nhanh trong vài năm trở lại đây, trung bình mỗi năm tăng từ 200 - 500ha. So với các cây trồng chủ lực khác, chuối là cây có dư địa phát triển lớn, trồng gắn với chế biến thuận lợi hơn cây trồng khác như nhãn, bưởi, cam...
Để nâng cao năng suất, chất lượng chuối, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã thực hiện mô hình ứng dụng đồng bộ giải pháp kỹ thuật tại các vùng chuyên canh chuối thuộc các huyện: Ba Vì, Mê Linh, Gia Lâm, Phúc Thọ.
Cụ thể, mô hình ứng dụng đồng bộ từ khâu sản xuất đến khâu thu hoạch, thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, bao buồng chuối, phòng trừ sâu bệnh khoa học (chích thuốc vào bắp khi mới trổ), lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước tự động, hệ thống giám sát theo tiêu chuẩn EGAP.
Việc ứng dụng đồng bộ tất cả giải pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất chuối đã giảm chi phí nhân công một cách rõ rệt, năng suất chuối tăng 10-15% so với sản xuất thông thường. Đặc biệt, sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, nâng cao giá trị sản phẩm và hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 xuất khẩu đạt 20-30% sản lượng chuối hằng năm và có 60-80% vùng trồng chuối đạt Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Mạnh Phương cho biết, với mục tiêu xây dựng các vùng sản xuất chuối bảo đảm yêu cầu kỹ thuật sản xuất hàng hóa an toàn, từng bước tạo vùng chuyên canh theo hướng xuất khẩu, ngành nông nghiệp đã triển khai hỗ trợ trồng mới hàng trăm hecta chuối mỗi năm.
Diện tích chuối trồng mới không chỉ được đầu tư giống chất lượng cao mà còn gắn với hệ thống tưới tự động, phát huy công năng tối đa, giảm chi phí về công lao động, tiết kiệm nước và tăng hiệu quả.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng hướng dẫn, khuyến cáo nông dân bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu bằng việc thực hiện đúng quy trình trong sản xuất, ghi chép nhật ký đầy đủ theo quy định của VietGAP, bảo đảm truy xuất nguồn gốc rõ ràng trên sản phẩm.