Những yếu tố chi phối quyết định xoay chuyển thuế đối ứng của ông Trump
Kinhtedothi - Quyết định tạm dừng các mức thuế đối ứng với hầu hết quốc gia hé lộ những áp lực dữ dội từ thị trường trái phiếu, sự bất ổn nội bộ và những cuộc đối thoại kín khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump phải thay đổi suy nghĩ.
Chỉ trong vòng chưa đầy một ngày, từ tối 8/4 đến chiều 9/4 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến cả thế giới kinh ngạc khi đảo ngược chính sách thuế quan đầy tham vọng mà ông từng tuyên bố là “Ngày Giải phóng” cho nước Mỹ.
Từ khi công bố kế hoạch áp thuế toàn diện vào tuần trước tại Vườn Hồng Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã đặt cược lớn vào chiến lược tái thiết thương mại toàn cầu, hứa hẹn đưa việc làm trở lại Mỹ và chấm dứt những gì ông gọi là “sự bóc lột” từ các quốc gia khác. Nhưng chỉ sau một tuần, thị trường chứng khoán lao dốc, hàng nghìn tỷ USD "bốc hơi", trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt bất thường, báo hiệu nguy cơ khủng hoảng tài chính.
Trước áp lực từ các đồng minh ngay trong đảng Cộng hòa, lãnh đạo nước ngoài và những dấu hiệu cảnh báo từ Phố Wall, Tổng thống Trump buộc phải nhấn nút "tạm dừng" – một động thái mà chính quyền của ông sau đó cố gắng tô vẽ như một “chiến lược bậc thầy”.
"Cú đánh mạnh" từ thị trường trái phiếu
Theo CNN, Sự đảo ngược quyết định thuế quan của Tổng thống Trump không bắt nguồn từ một kế hoạch dài hơi mà từ nỗi lo sợ ngày càng tăng về thị trường trái phiếu – nơi mà các cố vấn của ông mô tả là “đang khiến mọi người nôn nao”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến cả thế giới kinh ngạc khi đảo ngược chính sách thuế quan với nhiều nước. Ảnh: Nhà Trắng
Thông thường, khi thị trường chứng khoán sụp đổ, các nhà đầu tư thường đổ xô vào trái phiếu kho bạc Mỹ như một nơi trú ẩn an toàn, khiến lợi suất giảm. Nhưng lần này, mọi thứ diễn ra ngược lại. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng vọt, đạt mức cao nhất trong 3 ngày kể từ năm 2001, phản ánh sự mất niềm tin vào chính sách của ông Trump và nguy cơ lạm phát gia tăng do thuế quan.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, người có sự nghiệp gắn bó sâu sắc với thị trường trái phiếu, trở thành nhân vật trung tâm trong việc thuyết phục tổng thống Mỹ thay đổi. Sáng ngày 9/4, ông đã cùng Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick ngồi với Tổng thống Trump trong Phòng Bầu dục, trình bày dữ liệu đáng lo ngại về đợt bán tháo trái phiếu đang tăng tốc.
Một quan chức cấp cao tiết lộ Bộ Tài chính Mỹ đã “gần như hoảng loạn” trước tình hình này, khi lãi suất cao hơn đồng nghĩa với chi phí vay vốn tăng, từ mua nhà đến mở rộng doanh nghiệp, đe dọa nhấn chìm nền kinh tế nước này vào suy thoái.
Tổng thống Trump, người thường xuyên theo dõi các kênh truyền hình như Fox Business, cũng bị ảnh hưởng bởi những cảnh báo công khai từ các đồng minh tài chính. Sáng 9/4, ông xem Jamie Dimon - Giám đốc điều hành JPMorgan Chase - nói trên kênh Fox Business rằng suy thoái là “kết quả có thể xảy ra” nếu tình hình không được kiểm soát.
“Thị trường không phải lúc nào cũng đúng, nhưng đôi khi nó phản ánh đúng thực tế. Và lần này, tôi nghĩ thị trường đang đúng – vì nó đang phản ánh sự bất định cả ở cấp độ vĩ mô lẫn vi mô, tức là ở cấp doanh nghiệp và cả tác động đến tâm lý tiêu dùng”, ông Dimon cảnh báo, một câu nói dường như đã khiến Tổng thống Trump chú ý. Chỉ vài giờ sau, nhà lãnh đạo 78 tuổi đăng trên mạng xã hội Truth Social lời kêu gọi “HÃY BÌNH TĨNH!” kèm theo khuyến khích mua cổ phiếu, nhưng đến giữa trưa, ông đã quyết định hành động mạnh mẽ hơn.
Áp lực từ đồng minh và quốc tế
Ngoài thị trường, Tổng thống Trump còn đối mặt với áp lực chính trị từ trong nước và quốc tế. Truyền thông Mỹ tiết lộ đêm 8/4, sau khi xem chương trình của nhà bình luận Sean Hannity trên Fox News, ông Trump được cho là nhận được cuộc gọi kéo dài 1 giờ từ một nhóm thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa, bao gồm Lindsey Graham, Ted Cruz và John Thune. Họ đều bày tỏ lo ngại về tác động của thuế quan lên cử tri và nền kinh tế trong nước.
“Hãy ngồi xuống với họ và xem Ngài có thể đạt được những thỏa thuận nào”, Thượng nghị sĩ Graham đưa ra lời khuyên. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Ted Cruz cảnh báo nếu không dùng thuế quan làm đòn bẩy để đàm phán, các nước khác sẽ trả đũa, gây hại cho Mỹ, đặc biệt là các bang như Texas.
ĐỌC NGAY: Việt Nam, Mỹ sẽ sớm đàm phán thỏa thuận thương mại đối ứng
Đến sáng 9/4, người đứng đầu nước Mỹ nhận thêm cuộc gọi kéo dài 25 phút với Tổng thống Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter. Trong cuộc gọi, bà Keller-Sutter nhấn mạnh các mức thuế 31% áp lên đồng hồ Rolex và chocolate Thụy Sĩ đang gây tổn hại nghiêm trọng, và nhắc nhở người đồng cấp rằng Thụy Sĩ đã bỏ thuế nhập khẩu công nghiệp với Mỹ từ năm ngoái.
Cùng lúc đó, Maros Sefcovic - quan chức thương mại hàng đầu của Liên minh châu Âu, đã liên lạc với Bộ trưởng Lutnick, cảnh báo về các biện pháp trả đũa nhắm vào nông dân và doanh nghiệp Mỹ – những nhóm cử tri cốt lõi của Tổng thống Trump. Hơn 75 quốc gia đã liên hệ với Nhà Trắng, tìm cách đàm phán để tránh thuế, một làn sóng mà Bộ trưởng Thương mại Mỹ mô tả là “điên rồ”.
Những cuộc đối thoại này đã "gieo hạt giống" cho ý tưởng tạm dừng thuế quan để mở đường đàm phán, thay vì duy trì một cuộc chiến thương mại toàn diện. Đến giữa trưa, khi ngồi cùng các bộ trưởng Bessent và Lutnick, Tổng thống Trump đã soạn thảo thông báo trên Truth Social, tuyên bố hoãn thuế 90 ngày với hầu hết các nước, ngoại trừ Trung Quốc – nơi ông tăng thuế lên 125% như một tín hiệu cứng rắn .
Một bước lùi "linh hoạt"?
Quyết định của Tổng thống Trump không chỉ gây sốc cho thị trường mà còn khiến chính đội ngũ của ông bất ngờ. Nhiều quan chức cấp cao chỉ biết về sự đảo ngược qua bài đăng trên mạng xã hội. Thậm chí, Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer đang bảo vệ chính sách thuế quan ban đầu trước Quốc hội thì bị cắt ngang bởi tin tức này.
Peter Navarro, cố vấn thương mại lâu năm của Tổng thống Trump và là người ủng hộ thuế quan mạnh mẽ, dường như bị gạt ra ngoài lề khi không tham gia cuộc họp tại Phòng Bầu dục. Thay vào đó, các bộ trưởng Bessent và Lutnick trở thành bộ mặt của chính sách mới, khi cố gắng thuyết phục công chúng rằng đây là kế hoạch từ đầu.
Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng Stephen Miller ca ngợi đây là “chiến lược kinh tế vĩ đại nhất từ một tổng thống Mỹ trong lịch sử”. Song hậu trường Nhà Trắng được cho là rơi vào hỗn loạn khi các trợ lý vội vã tìm cách giải thích chi tiết của chính sách mới – từ việc Canada và Mexico có bị áp thuế 10% hay không, đến cách miễn trừ sẽ được áp dụng. Bản thân Tổng thống Trump, khi được hỏi về các biện pháp miễn trừ, chỉ nói rằng ông sẽ quyết định “theo bản năng,” để lại sự mơ hồ khiến các nhà đầu tư và doanh nghiệp lo lắng.
Dù vậy, thị trường đã phản ứng tích cực. Chỉ số Dow Jones tăng gần 8% sau thông báo, xóa đi phần nào khoản lỗ từ tuần trước. Ông Trump nhanh chóng nhận công, gọi đây là “ngày lớn nhất trong lịch sử tài chính,” nhưng không nhắc đến hàng nghìn tỷ USD đã bốc hơi trước đó. Đối với ông, sự linh hoạt này là chiến thắng, dù nó đi kèm rủi ro về uy tín và sự bất ổn kéo dài.
Sau 90 ngày, Tổng thống Donald Trump hứa hẹn sẽ đàm phán các thỏa thuận thương mại “không ai dám mơ tới”. Song với chiến lược thay đổi chóng mặt và những mâu thuẫn nội bộ, câu hỏi lớn vẫn là liệu ông có thể biến lời hứa thành hiện thực, hay đây chỉ là một chương khác trong cuốn sách đầy biến động của nhiệm kỳ tổng thống thứ hai.

Thuế quan 104% của Mỹ lên Trung Quốc chính thức có hiệu lực sau ngày 9/4
Kinhtedothi - Mức thuế quan kỷ lục 104% của Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc chính thức có hiệu lực sau thời điểm 0 giờ sáng 9/4 (giờ Mỹ), đánh dấu đỉnh điểm trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ngành ô tô chao đảo trước thuế quan của ông Trump
Kinhtedothi - Mức thuế 25% do Tổng thống Donald Trump áp đặt đối với ô tô nhập khẩu, bắt đầu có hiệu lực từ tuần trước, đang làm rung chuyển ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu.

Mỹ cân nhắc siết kiểm soát đối với doanh nghiệp Trung Quốc
Kinhtedothi - Bộ trưởng Tài chính Mỹ, ông Scott Bessent, cho biết Washington đang xem xét khả năng hủy niêm yết các công ty Trung Quốc khỏi thị trường tài chính Mỹ, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục leo thang.