Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Niềm tin nghề giáo

Nhật Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghĩ đến những con người lặng thầm gánh trên vai hai chữ “Nhà giáo” trong cái ngày mà cả xã hội dành riêng để tôn vinh nghề cao quý này, lại chợt văng vẳng bên tai giọng nói trong veo của cô bé học sinh lớp 9 trường THCS Việt Nam – Angieri trong lễ kỷ niệm 35 năm Ngày nhà giáo Việt Nam của ngành giáo dục Hà Nội mới đây.

Giọng nói trong veo ấy ôm ấp trong đó cả một trời thương mến, một sự trân trọng vốn dĩ mà xã hội vẫn dành tặng những con người từng ngày miệt mài mang chữ lên bục giảng.
Cô bé nói đúng: Thầy cô dạy Lý đã truyền lực hấp dẫn cho những bài toán điện, soi đường cho các con tiếp bước hôm nay; Những chất xúc tác mà thầy cô dạy Hóa dạy đã giúp con hoàn thành phản ứng, tạo ra sản phẩm là hai chữ “nên người”; Thầy cô dạy Sinh cho các con biết sinh giới tiến hóa chung nguồn gốc, là con người phải biết yêu thương nhau; Văn học dạy các con biết yêu những điều bình dị nhất, từ người thân, bạn bè, thầy cô đến tình yêu quê hương đất nước; cho các con tự hào là con cháu Lạc Hồng ngàn năm văn hiến với những trang sử hào hùng, chói lọi; Thầy cô dạy Địa cho các con biết Việt Nam là một dải hình chữ S tươi đẹp; thầy cô dạy Nhạc, Họa dạy các con biết phác họa những nét đẹp cuộc đời, mang lại cho các con những hương vị cuộc sống bằng những nốt nhạc bay bổng; Còn thầy cô tiếng Anh cho các con công cụ hội nhập; thầy cô Thể dục rèn luyện những đôi chân, bàn tay được rắn chắc, khéo léo hơn để mai này xây dựng đất nước…

Hóa ra người đương thời không hề mất niềm tin vào nghề giáo, dù đây đó liên tục những ì xèo về tiêu cực nơi trường lớp, chuyện thầy ngược đãi trò, trò bất kính với thầy… Hóa ra, lớp trẻ hôm nay và phía sau chúng là các bậc làm cha mẹ, vẫn đặt niềm tin để trao gửi con mình – những “kho báu” cuộc đời họ, vào tay các thầy cô giáo. Họ vẫn trân trọng gọi thầy cô là những người cha, người mẹ thứ 2, bên cạnh cha mẹ ruột là những người có công sinh thành, dưỡng dục. Những ì xèo trong môi trường giáo dục hiện đại chỉ là chuyện “con sâu làm rầu nồi canh”, bởi vẫn hiển hiện trong đời sống bao người thầy, người cô lặng lẽ cõng chữ lên non, những cô giáo trẻ chấp nhận đi làm thuê đủ mọi công việc kiếm sống để giữ lấy giờ phút được bước lên bục giảng mỗi ngày… Chỉ có điều niềm tin ấy cần được nâng niu, gìn giữ, được tiếp sức để duy trì bền bỉ và thêm bầu nhiệt huyết.

Nghề giáo không giống muôn vàn nghề khác, bởi nghề giáo có đặc thù riêng nằm trong tâm, trong trí, trong đức của mỗi thầy cô. Cả khi đời áo cơm vẫn còn đầy lo toan vướng bận, thầy cô giáo vẫn một lòng vượt lên gian khó để giữ lấy tâm – trí – đức với nghề. Câu chuyện giữ niềm tin cuối cùng vẫn là lời giải của bài toán đời sống giáo viên. Mà ở đó, các nhà quản lý giáo dục – những người đưa ra và quyết định các chế độ, chính sách cho giáo viên – cần hiểu tận tâm can và đặc thù của nghề cao quý này, để có thể đưa ra những quyết định hợp tình hợp lý. Niềm tin vẫn còn, nhưng niềm tin ấy nếu được bồi đắp sẽ được nhân lên muôn phần.