Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Niềm vui của cuộc sống độc lập

Đan Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với việc duy trì quan niệm về gia đình nhiều thế hệ, nhiều người lại tán thành quan điểm có phần thoáng hơn là “tạo khoảng không cho chính bản thân người cao tuổi và con cái”. Tuy nhiên, để dung hòa lại cần cách xử lý của mỗi người.

Có nhiều người quan niệm, khi con cái đến tuổi trưởng thành, dựng vợ, gả chồng rồi, vẫn phải giữ ở bên mình, sống chung trong một mái nhà và khi con cái xin ra ở riêng, họ cho đó là sự ích kỷ, không quan tâm đến cha mẹ. Nhưng ngược lại, có rất nhiều cặp vợ chồng lớn tuổi ở TP hiện nay lại không muốn sống cùng con cái. Sau khi con lấy vợ, lấy chồng, họ lập tức cho ra ở riêng, giữ cho mình khoảng không gian của hai vợ chồng già. Và trong cuộc sống độc lập ấy cũng có những cái hay riêng.
 Hình minh họa.
Ông bà Hoàng (Cầu Giấy) kể, lúc ông cho con lấy vợ ra ở riêng, các con cứ nghĩ rằng ông bà giận dỗi gì, nên không muốn sống cùng con cái. Ông phải giải thích với con rằng: “Bố mẹ còn khỏe, muốn ở riêng cho thoải mái, có thể chăm sóc nhau lúc tuổi già”. Rồi mặc cho các con năn nỉ, người thì cho rằng bố mẹ già cả cần được chăm sóc chu đáo, người lại nghĩ bố mẹ cần chung sống với các con để còn răn dạy và làm gương cho các cháu... ông bà vẫn nhất quyết sống riêng. Giải thích cho điều này, ông bảo: Già rồi ăn uống có đáng là bao, hơn nữa bọn trẻ lại thuộc thế hệ khác, nên chắc chắn sẽ nảy sinh mâu thuẫn trong cách nhìn, cách sống. Thôi cứ ở riêng ra cho tiện. Sự kiên quyết và giải thích có lý có tình của ông bà, cuối cùng các con cũng hiểu rõ lý do của bố mẹ ở riêng và tuy còn một chút bận tâm lo lắng nhưng cũng đành chấp nhận.
Đây không phải là trường hợp duy nhất, hiện có rất nhiều cặp vợ chồng ở tuổi xế chiều, nhưng còn khỏe và độc lập về kinh tế, thích chỉ sống với nhau để tâm hồn thanh thản, hạnh phúc, vì tuổi già vẫn được chăm sóc cho nhau là điều mong mỏi của họ. Để họ được cùng nhau tập thể dục, đi chợ, chuẩn bị cơm nước, đọc báo, bàn chuyện thời sự... rồi mỗi buổi cuối tuần, đại gia đình con cháu lại về tụ tập ăn uống, quây quần bên mâm cơm ấm cúng. Cái cảnh ông bà cùng các con sửa soạn đồ ăn, nói những câu chuyện gia đình; các cháu ríu rít kể chuyện đi học, vui chơi... Không mâu thuẫn, không khúc mắc, chỉ có niềm vui, quả thật là hạnh phúc đáng mơ ước.
“Cho con cái ra ở riêng hết, để trở lại cái thời vợ chồng son cũng thú vị lắm chứ” - đó là tổng kết được những người ông người bà rút ra. Nhưng ở riêng, không có nghĩa là cắt đứt sợi dây liên kết. Nhiều người cho biết, họ vẫn giúp các con việc trông cháu hay sẵn sàng giúp đỡ khi con cần. Nhưng chính cuộc sống riêng khiến họ tìm lại những niềm vui nho nhỏ mà trước đây vướng bận mưu sinh chưa thực hiện được. Họ bắt đầu quay lại thời "vợ chồng son", mới thấy rằng, đây là đẹp nhất trong đời sống vợ chồng vì được bên nhau hưởng thành quả cả đời phấn đấu và ngắm nhìn từng bước trưởng thành của con, cháu. Không sống chung, không mâu thuẫn, xích mích vì những chuyện thường ngày, nên mẹ chồng con dâu cũng thấy như thương mến hơn.
Nhiều người già khi chọn cách sống này giải thích: Mình có ở với các con, các con cũng đi làm cả ngày, các cháu đi học suốt ngày bận rộn. Chúng nó cũng phải lo lắng quá nhiều cho tiểu gia đình của mình. Còn việc không có người lo lắng lúc trái gió trở trời, cuộc sống hiện đại bây giờ cũng không quá đáng sợ. Thuốc men, điều kiện vật chất đầy đủ cả. Điện thoại lại sẵn, lo gì điều đó.
Đây cũng chính là cách để họ thay đổi lối sống để làm cuộc hôn nhân những năm tháng cuối đời không trở nên nhàm chán. Ngoài việc tham gia các công việc xã hội ở phường, xóm, họ còn thu xếp đi du lịch để tận hưởng cuộc sống. Tuy nhiên, để tránh khỏi cảm giác cô đơn, buồn tủi khi thiếu vắng con cháu, chính những người con, người cháu phải giữ gìn sợi dây kết nối hữu hiệu nhất.