Nikkei Asia: Lần đầu tiên Apple chuyển sản xuất iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nikkei Asia ngày 1/6 đưa tin, lần đầu tiên Apple chuyển một số hoạt động sản xuất iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam, sau khi các đợt phong tỏa Covid-19 nghiêm ngặt ở nhiều địa phương, bao gồm Thượng Hải, dẫn đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong nhiều tháng.

Nikkei Asia dẫn các nguồn thạo tin cho biết, BYD - một trong những nhà lắp ráp iPad hàng đầu của Trung Quốc - đã giúp Apple xây dựng dây chuyền sản xuất tại Việt Nam và có thể sớm bắt đầu sản xuất một số lượng nhỏ máy tính bảng ở đây.

Apple từ lâu đã cân nhắc việc xây dựng một số iPad bên ngoài Trung Quốc - theo một báo cáo của Nikkei Asia vào tháng 1 năm ngoái. Ipad được cho là sẽ trở thành dòng sản phẩm chính thứ hai của Apple được sản xuất tại Việt Nam, sau sản phẩm tai nghe AirPods.

Theo Nikkei Asia, động thái này không chỉ cho thấy nỗ lực không ngừng của Apple trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng mà còn cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam đối với công ty. Apple đã xuất xưởng 58 triệu chiếc iPad trong năm ngoái, với phần lớn các nhà cung cấp thiết bị này tập trung ở Trung Quốc.

Để phòng thủ hơn nữa trước sự gián đoạn chuỗi cung ứng, Apple được cho cũng đã yêu cầu các nhà cung cấp tăng cường nguồn cung cấp bổ sung các thành phần như bảng mạch in và các bộ phận cơ khí và điện tử, đặc biệt là những sản phẩm được sản xuất tại và xung quanh Thượng Hải - nơi các hạn chế do Covid-19 đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt và chậm trễ hậu cần.

Ngoài ra, "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ đã yêu cầu các nhà cung cấp nhanh chóng di chuyển để đảm bảo nguồn cung cấp một số chip, đặc biệt là những chip liên quan đến nguồn điện, cho iPhone sắp tới.

Đặc biệt, Apple đang yêu cầu các nhà cung cấp bên ngoài các khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn chế Covid-19 giúp tích lũy nguồn cung cấp linh kiện trị giá, để đảm bảo nguồn cung liên tục trong vài tháng tới. Các yêu cầu áp dụng cho tất cả các dòng sản phẩm của Apple, gồm iPhone, iPad, AirPods và MacBook.

Lý tưởng nhất, công ty hy vọng các nhà cung cấp này có thể chuẩn bị đủ các linh kiện bổ sung để bù đắp hoàn toàn số lượng sản xuất của những nhà máy ở Thượng Hải và các tỉnh lân cận như Giang Tô, nơi có nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng cao hơn.

"Ví dụ, nhà cung cấp linh kiện X có 40% thị phần kinh doanh của Apple ở tỉnh Giang Tô - một khu vực có nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng và nhà cung cấp Y ở một thành phố khác chiếm 60% thị phần còn lại" - một nguồn tin nói với Nikkei - "Apple muốn nhà cung cấp Y xây dựng đủ các thành phần bổ sung để phù hợp với 40% thị phần của nhà cung cấp X trong những tháng tới, trong trường hợp sản xuất ở Giang Tô bị ngừng hoạt động một lần nữa".

Các nguồn tin cho biết, sẽ rất rủi ro cho bất kỳ nhà cung cấp công nghệ nào nếu tuân thủ đầy đủ yêu cầu của Apple, vì có dấu hiệu giảm nhu cầu đối với thiết bị điện tử tiêu dùng trong bối cảnh lạm phát gia tăng và chi phí năng lượng tăng. Nếu Apple không sử dụng các thành phần bổ sung, các nhà cung cấp có thể bị bỏ rơi.

Một giám đốc chuỗi cung ứng khác nói với Nikkei Asia: "Những kho dự trữ bổ sung đó có thể trở thành gánh nặng cho các nhà cung cấp nếu hoạt động sản xuất của các nhà cung cấp khác không bị gián đoạn bởi các đợt phong tỏa một lần nữa". Vị giám đốc điều hành nói thêm rằng hầu hết các nhà cung cấp sẽ đồng ý xây dựng một số dự trữ bổ sung để làm "đệm", nhưng họ "chắc chắn sẽ không" tăng nguồn cung đủ để bù đắp hoàn toàn.

Giới quan sát đánh giá, tất cả những động thái này cho thấy Apple đang nỗ lực như thế nào để giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng của mình. Tập đoàn công nghệ của Mỹ thậm chí đã giúp một số nhà cung cấp gánh thêm chi phí hậu cần cho vận tải hàng không và đường bộ, để đảm bảo các nguyên vật liệu quan trọng cho quá trình sản xuất đến đúng giờ.

Apple và BYD hiện chưa đưa ra bình luận về các báo cáo của Nikkei Asia.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần