Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ninh Bình: đẩy mạnh nông nghiệp trên nền tảng công nghệ số

Nguyễn Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ động thay đổi tư duy, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin và công nghệ cao vào sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, nhiều nông dân của tỉnh Ninh Bình đã trở thành tỷ phú, chủ doanh nghiệp…

Ninh Bình nằm ở phía Nam đồng bằng sông Hồng, cách thủ đô Hà Nội hơn 90km. Trong những năm qua, nông nghiệp của địa phương này duy trì khả năng tăng trưởng và đóng góp tích cực cho phát triển và ổn định kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để hỗ trợ thúc đẩy kinh tế số, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 142/ KH-UBND ngày 31/8/2021 về việc phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030. Kế hoạch nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động tiếp cận, xây dựng các sản phẩm và sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số tỉnh Ninh Bình nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh.

Ninh Bình đẩy mạnh nông nghiệp trên nền tảng công nghệ số.
Ninh Bình đẩy mạnh nông nghiệp trên nền tảng công nghệ số.

Hộ gia đình ông Bùi Đức Thịnh, thôn Hoàng Quyển (xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn) đã ứng dụng công nghệ thông minh vào nuôi trồng thủy sản theo quy trình VietGap trên diện tích hơn 20.000 m2 mặt nước. Nhờ đó, mô hình kinh tế của gia đình ông Thịnh phát huy hiệu quả, đạt năng suất cao, hướng tới phát triển bền vững. Hàng năm, mô hình cho thu nhập trên 3,6 tỷ đồng, trừ chi phí, ông thu lãi từ 500-600 triệu đồng.

Theo ông Bùi Đức Thịnh trước đây, nuôi thủ công, mỗi năm gia đình ông thu được 3 tấn cá, nhờ ứng dụng công nghệ thông minh, hiện thu 80 tấn cá/năm.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình, tỉnh được thiên nhiên ban tặng 5 tiểu vùng kinh tế sinh thái gồm: tiểu vùng đồi núi bán sơn địa, tiểu vùng trũng, tiểu vùng đồng bằng, tiểu vùng ven đô thị và tiểu vùng ven biển nên mỗi tiểu vùng đều có những sản phẩm chủ lực, đặc sản đặc trưng riêng.

Hiện nay, mỗi năm tỉnh sản xuất khoảng 300.000 tấn lúa gạo, 180.000 tấn rau quả, 47.000 tấn thịt lợn hơi, gần 3.700 tấn thịt trâu bò; sản xuất chuyên canh dứa tập trung lên tới gần 3.400 ha. Bên cạnh đó, sản phẩm thủy sản của tỉnh cũng rất đa dạng bao gồm cả thủy sản nước ngọt và nước mặn, tôm, cua, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ…  Đến nay, toàn tỉnh có 186 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Trong đó có 69 sản phẩm xếp hạng 4 sao, 117 sản phẩm xếp hạng 3 sao.

Đặc biệt, những năm gần đây với nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực của tỉnh, bà con nông dân đã đẩy mạnh đầu tư, phát triển sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng sinh thái, hữu cơ, an toàn, ưu tiên các sản phẩm nông sản truyền thống, đặc hữu, đặc sản.

Để phục vụ công tác chuyển đổi số đối với cơ quan quản lý lĩnh vực nông nghiệp, hàng năm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều tổ chức các khóa tập huấn cho bộ công chức, viên chức. Trong năm 2024, Sở tham gia khóa tập huấn chuyển đổi số trên nền tảng MOOCs với tổng số trên 130 học viên tham gia. Các học viên được tập huấn 9 nội dung tìm hiểu về chuyển đổi số, đạt tỷ lệ mỗi nội dung trên 94%.

Được sự hỗ trợ của Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh, HTX Mật ong núi đá Xích Thổ (huyện Nho Quan) đã đầu tư máy tách thủy phần, máy hạ thủy phần trong sản xuất mật ong. Máy có tác dụng chiết xuất, loại bỏ các tạp chất trong mật ong giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm. Việc đưa máy móc tiên tiến thay thế thiết bị thủ công truyền thống đã tạo ra sản phẩm mật ong thiên nhiên, chất lượng.

Song song với bán hàng truyền thống, HTX còn bán hàng trực tuyến trên TikTok, Zalo, Facebook hiệu quả. Mỗi năm, HTX bán trên 10 tấn mật, trong đó qua kênh bán trực tuyến khoảng 60-70%. Năm 2025, cùng sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, HTX đang xây dựng sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP.

Nhờ thay đổi tư duy, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin và công nghệ cao vào sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, nhiều nông dân đã trở thành những tỷ phú, chủ doanh nghiệp, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới thông minh.