Ninh Bình: sắp xếp tinh gọn bộ máy đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội
Kinhtedothi - Tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong quý I đạt được những kết quả toàn diện, nhiều lĩnh vực có kết quả nổi bật.
Năm 2025 là năm bứt phá nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Ninh Bình quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế GRDP 12% mà Chính phủ tin tưởng giao. Đây là mục tiêu cao nhất từ trước đến nay, có ý nghĩa quan trọng khẳng định vai trò là cực tăng trưởng của các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Hồng.
Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, với sự chủ động, trách nhiệm, bản lĩnh, tinh thần đoàn kết rất cao của các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện hiệu quả hai nhiệm vụ trọng tâm vừa sắp xếp, tổ chức tinh gọn bộ máy đi đôi với triển khai phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra.
UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo và các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh làm tốt công tác chính trị tư tưởng, quán triệt, tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động đối với các đơn vị sắp xếp, do đó tạo được sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức, thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về sắp xếp, hợp nhất các cơ quan.

Công ty Cổ phần May Yên Thành (huyện Yên Khánh) đã tập trung mở rộng quy mô, đa dạng mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Ảnh: IT
Đến nay, UBND tỉnh đã tổ chức hợp nhất các cơ quan chuyên môn, cụ thể: hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính thành Sở Tài chính; hợp nhất Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng thành Sở Xây dựng; hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ thành Sở Khoa học và Công nghệ; hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành Sở Nông nghiệp và Môi trường; hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ thành Sở Nội vụ.
Hiện tỉnh đã giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện do sáp nhập TP Ninh Bình và huyện Hoa Lư.
Đối với cơ quan hành chính, toàn tỉnh giảm 5/18 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, tương ứng giảm 27,8%; giảm 22 phòng chuyên môn và tương đương cấp tỉnh, tương ứng giảm 17,46%; giảm 24 phòng chuyên môn và tương đương cấp huyện, tương ứng giảm 25,2%.
Đối với đơn vị sự nghiệp, toàn tỉnh dự kiến giảm 102 đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp huyện, tương ứng giảm 17,22%. Cùng với đó, tỉnh đã tiếp tục việc thẩm định, hiệp y và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố theo quy định.
Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị ngay từ đầu năm đã tập trung triển khai các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2025 của Chính phủ, Nghị quyết số 94/ NQ-HĐND ngày 4/12/2024 của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 tỉnh Ninh Bình.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành bám sát các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh uỷ và HĐND tỉnh, tập trung cụ thể hóa để triển khai thực hiện đối với từng mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, nhất là những quan điểm, mục tiêu mới.
Bên cạnh đó, tỉnh đã ưu tiên phát triển các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả; đưa kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện khơi thông các nguồn lực cho phát triển; quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn có năng lực, uy tín đầu tư sản xuất kinh doanh, nâng cao tiềm lực, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Trên cơ sở sự đồng hành, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động, linh hoạt chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh, phù hợp với từng giai đoạn của nền kinh tế. Nhờ đó, tình hình sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển tốt. Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) tăng 10,42% so với cùng kỳ; doanh thu các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp 3 tháng đầu năm ước đạt 20.874 tỷ đồng; 7/12 sản phẩm công nghiệp chủ yếu đã vượt kịch bản tăng trưởng đề ra.
Nhìn vào sự tăng trưởng của các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh có thể thấy sự nỗ lực cao của các cấp, ngành trong tỉnh, sự chủ động tích cực từ phía doanh nghiệp và sự hỗ trợ tham gia nhiệt tình của Nhân dân. Do đó tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong quý I đạt được những kết quả toàn diện, nhiều lĩnh vực có kết quả nổi bật. Số liệu thống kê cho thấy, trong quý I, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9,06%, tuy chưa đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra nhưng đây vẫn là mức tăng trưởng cao nhất các quý I trong 5 năm trở lại đây; đứng thứ 6 khu vực đồng bằng sông Hồng, xếp thứ 14 trong cả nước.
Năm 2025, tỉnh Ninh Bình tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực, như: lắp ráp ô tô, phụ trợ ô tô, camera module, linh kiện điện tử, xi măng và clanke, may mặc, giày dép... Đồng thời, tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đang triển khai để sớm hoàn thành, tạo ra những sản phẩm mới.
Tỉnh xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026- 2030, đảm bảo tập trung, không dàn trải, manh mún; bố trí vốn tập trung, trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, công trình, dự án lớn, quan trọng có tính kết nối vùng, liên vùng, có sức lan tỏa, tạo dư địa, động lực mới, mở rộng không gian, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trong năm 2025, tỉnh Ninh Bình sẽ chú trọng giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các dự án sử dụng đất kém hiệu quả, chậm đưa đất vào sử dụng, kiên quyết thu hồi đất các dự án kéo dài không có khả năng hoàn thành.
Thực hiện kiểm soát, bảo vệ môi trường từ trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư, sàng lọc loại trừ các dự án công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều tài nguyên, tiêu hao năng lượng, các ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm.
Với quyết tâm cao, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, chủ động của cộng đồng doanh nghiệp, mong rằng, mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 12% của tỉnh Ninh Bình sẽ sớm được hiện thực hóa.

Ninh Bình: những dự án nào bị thu hồi do chậm tiến độ?
Kinhtedothi - HĐND tỉnh Ninh Bình vừa thông qua Nghị quyết Danh mục dự án phải thu hồi năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Ninh Bình duyệt dự án xây dựng đường kết nối liên vùng gần 7.000 tỷ đồng
Kinhtedothi - Dự án xây dựng tuyến đường kết nối liên vùng giữa Nam đồng bằng sông Hồng với vùng núi Tây Bắc và vùng duyên hải Bắc Trung Bộ (giai đoạn I) có tổng mức đầu tư 6.939 tỷ đồng.

Ninh Bình: định hướng du lịch xanh, văn hóa và bền vững
Kinhtedothi - Ninh Bình xác định phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững, dựa trên nền tảng giá trị văn hóa, con người và thiên thiên của địa phương.