Sáng 29/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền cho biết, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 12/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền, địa phương đặc mục tiêu tốc độ tăng giá trị ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 đạt 3-4%/năm. Trong đó tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 30-40%/năm. Cơ cấu nội bộ ngành nông lâm nghiệp chiếm 49%, thủy sản chiếm 51%. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 150 triệu đồng/ha; giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 700 triệu đồng/ha.
Đồng thời, Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2025, có từ 3-5 vùng đáp ứng các điều kiện, tiêu chí công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn tỉnh đạt trên 1.000 ha; hỗ trợ hình thành từ 2-3 doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thu hút ít nhất 2 doanh nghiệp ngoài tỉnh tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc doanh nghiệp có quy mô lớn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp làm hạt nhân.
Ninh Thuận cũng đặt mục tiêu có ít nhất 30 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoạt động có hiệu quả và lựa chọn, ưu tiên phát triển gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ đối với một số sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc thù của tỉnh để hướng đến xuất khẩu, phấn đấu có ít nhất 1 sản phẩm được xuất khẩu, nhất là các sản phẩm từ cây Nho.
“Đến năm 2025, Ninh Thuận kỳ vọng sản lượng tôm giống toàn tỉnh đạt trên 50 tỷ con; chủ động khoảng 30% tôm thẻ chân trắng bố mẹ và 40% tôm sú bố mẹ; có hơn 10% số cơ sở sản xuất có quy mô sản xuất tối thiểu 0,5 tỷ con giống/năm; 100% cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và được giám sát an toàn dịch bệnh” - ông Lê Huyền cho biết.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền, địa phương sẽ tập trung ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đối với các sản phẩm nông nghiệp đặc thù, khác biệt, có lợi thế của tỉnh. Nâng cao năng suất, chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao, phát huy đội ngũ các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật, các trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.