Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam vừa ký ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 của Chính phủ, Chương trình số 179-Ctr/TU ngày 09/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chương trình hành động số 333-KH/BCSĐ ngày 11/4/2023 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 10,84%/năm. Đến năm 2030, GRDP của tỉnh tăng 3,65 lần so với năm 2020; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 200 triệu đồng/người/năm (giá hiện hành).
Thu ngân sách Nhà nước đạt 11.000-12.000 tỷ đồng; tốc độ tăng thu nội địa cao hơn 2-3 điểm % so với bình quân của cả nước. Phấn đấu tỉ lệ đô thị hoá đạt khoảng 55-56%; có ít nhất 45 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt trên 55%; đạt 35 giường bệnh viện/vạn dân; trên 11 bác sĩ/vạn dân…
Để thực hiện các mục tiêu nói trên, một trong những kế hoạch UBDN tỉnh Ninh Thuận đưa ra là giao Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh phối hợp kịp thời, chặt chẽ với các bộ ngành Trung ương, địa phương trong vùng xây dựng thể chế liên kết vùng để điều phối và kết nối phát triển vùng nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động liên kết nội vùng, liên vùng. Triển khai thực hiện có hiệu quả các thể chế liên kết vùng và kết nối phát triển vùng.
Đồng thời, xây dựng các chương trình hợp tác song phương và đa phương; đề xuất xây dựng chương trình phối hợp hành động chung giữa các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, tiểu vùng Nam Trung Bộ; các chương trình hợp tác với các địa phương vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lâm Đồng;.. các chương trình vận động, xúc tiến đầu tư chung giữa các tỉnh.
Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hoàn thành, trình phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, tạo cơ sở pháp lý để triển khai hợp tác, liên kết vùng.
UBND tỉnh Ninh Thuận lưu ý, quy hoạch tỉnh phải có tầm nhìn tổng thể, dài hạn cùng với các giải pháp đột phá, mở rộng không gian và nguồn lực cho phát triển; bảo đảm gắn kết giữa phát triển khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp với các khu du lịch và dịch vụ; giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; phát huy hiệu quả các hành lang kinh tế, nhất là hành lang kinh tế Đông - Tây; khai thác có hiệu quả cảng biển tổng hợp Cà Ná hướng đến hình thành Cảng loại I; kiến nghị Trung ương sớm bổ sung quy hoạch sân bay Thành Sơn vào quy hoạch Cảng hàng không quốc gia thời kỳ 2021-2030, thành lập khu kinh tế ven biển phía Nam của tỉnh…
Cùng với đó, UBND tỉnh Ninh Thuận giao Sở Kế hoạch và Đầu tư cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển doanh nghiệp và thu hút nguồn lực nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhất là các ngành kinh tế biển.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung thu hút đầu tư vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh; tham mưu xây dựng Đề án thành lập khu kinh tế ven biển phía Nam của tỉnh khi đủ điều kiện.