Hiện Ninh Thuận có 270 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Trong đó, có 228 sản phẩm đạt 3 sao, 42 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Để tiếp tục phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), năm 2025, tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu có thêm 20 - 30 sản phẩm mới được chứng nhận OCOP.
Trong đó, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng, phấn đấu đạt thêm 2 - 5 sản phẩm OCOP 4 sao và 1 - 2 sản phẩm chăn nuôi đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao.
Đồng thời, củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.
Địa phương cũng tập trung ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 30% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 40% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đặt mục tiêu phấn đấu 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định. Trong đó, ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; có ít nhất 50% làng nghề có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của địa phương.
Ngoài ra, Ninh Thuận cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh; phấn đấu có thêm 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, địa phương sẽ tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm, gồm: thực phẩm; đồ uống; dược liệu và sản phẩm từ dược liệu; hàng thủ công mỹ nghệ; sinh vật cảnh; dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.
Đồng thời, chú trọng sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ độc đáo, mang đậm nét truyền thống và khai thác được lợi thế riêng của từng địa phương. Mục tiêu là phát huy tối đa yếu tố sáng tạo, nguồn nhân lực, nguyên liệu sẵn có và giá trị văn hóa để gia tăng giá trị sản phẩm, góp phần vào sự phát triển chung của cộng đồng.