KTĐT - Theo mạng tin Asahi Shimbun, tình trạng nóng chảy của thanh nhiên liệu đến đâu chính là căn cứ xác định mức độ ảnh hưởng của sự cố hạt nhân.
Viện An toàn Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản (NISA) tối 18/4 chính thức thừa nhận các thanh nhiên liệu trong lò phản ứng số 1, 2 và 3 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã nóng chảy và biến dạng một phần.
Trong buổi điều trần trước Ủy ban An toàn Năng lượng Nguyên tử thuộc Văn phòng Nội các nước này, NISA thừa nhận khả năng các thanh nhiên liệu đã bị tổn hại và chính thức dùng cụm từ “nóng chảy” để xác nhận tình trạng của các thanh nhiên liệu.
Theo mạng tin Asahi Shimbun, tình trạng nóng chảy của thanh nhiên liệu đến đâu chính là căn cứ xác định mức độ ảnh hưởng của sự cố hạt nhân. Nếu thanh nhiên liệu nóng chảy, một số lượng lớn các chất phóng xạ bị rò rỉ và gây ô nhiễm nước làm mát và hơi nước trong lò phản ứng.
Theo phân tích của NISA, nhiệt độ cao đã khiến lớp vỏ bọc kim loại bên ngoài của thanh nhiên liệu bị hư hại khiến chất phóng xạ bên trong phán tán ra ngoài – hiện tượng này gọi là “tổn hại tâm lò.” Tiếp đến, viên nhiên liệu duy trì độ cháy ổn định của thanh nhiên liệu trong lò bị nóng chảy – gọi là “viên nhiên liệu nóng chảy.” Cuối cùng, thanh nhiên liệu bị nóng chảy và rơi xuống đáy lò phản ứng – gọi là “nóng chảy thanh nhiên liệu.”
Dựa vào thành phần và nồng độ của chất phóng xạ phát hiện được, NISA xác nhận đã xảy ra hiện tượng “nóng chảy viên nhiên liệu” tại lò số 1, 2 và 3. Các chuyên gia hạt nhân cũng phát hiện ở gần mặt nước dưới đáy lò, tàn tích của viên nhiên liệu và thanh kiểm soát độ cháy. Tuy nhiên, các chuyên gia thực tế vẫn chưa xác minh được sự thật cho đến khi lấy được các thanh nhiên liệu ra khỏi lò.
Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) xác nhận lò số 1 chiếm 70% tổn hại dựa vào chất phóng xạ bị rò rỉ song đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tận mắt xác nhận được tình trạng của các lò phản ứng./.