Nỗ lực của báo chí điều tra nhìn từ vụ Hồ sơ Pandora

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với 2,94 terabyte dữ liệu, việc xác thực Hồ sơ Pandora là cuộc kiểm định lớn nhất do ICIJ tổ chức cùng một nhóm gồm 150 tờ báo.

Với tên gọi Hồ sơ Pandora, toàn bộ dữ liệu trong đó đã được tiết lộ cho Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) tại Washington và gây chấn động lớn trên toàn cầu.  Những tài liệu này vạch trần tài sản bí mật ở nước ngoài của 35 nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm cả tổng thống, thủ tướng và nguyên thủ quốc gia đương nhiệm và cựu tổng thống. Đồng thời làm sáng tỏ nguồn tài chính bí mật của hơn 300 quan chức nhà nước khác như bộ trưởng chính phủ, thẩm phán, thị trưởng và tướng lĩnh quân đội ở hơn 90 quốc gia.
 Cuộc điều tra này có sự tham gia của khoảng 600 nhà báo từ hàng chục hãng truyền thông. Nguồn: ỊCIJ
Tuy nhiên để tạo nên được khối thông tin dữ liệu có sức nặng và tính chính xác cao đòi hỏi nỗ lực lớn và không ngừng nghỉ của hàng trăm nhà báo, hãng truyền thông trên thế giới. Với 2,94 terabyte dữ liệu, việc xác thực Hồ sơ Pandora là cuộc kiểm định lớn nhất do ICIJ tổ chức cùng một nhóm gồm 150 tờ báo. The Guardian cho biết, cuộc điều tra hồ sơ này có sự tham gia của khoảng 600 nhà báo từ hàng chục hãng truyền thông như The Washington Post  và The Guardian.
Chia sẻ về lý do tham gia cuộc điều tra và công bố kết quả năm nay, Tổng Biên tập The Washington Post Sally Buzbee cho biết, họ cảm thấy chắn chắn và tin tưởng những dữ liệu do ICIJ thu thập sẽ đưa ra ánh sáng những phần chìm của hệ thống tài chính quốc tế. Một cuộc điều tra tương tự vào năm 2016 từng khiến 2 nguyên thủ thế giới phải từ chức.  
“Trong quá trình kiểm tra chặt chẽ hàng nghìn tài liệu trong nhiều tháng, The Post và các đối tác không tìm thấy dấu hiệu nào về sự không chính xác hoặc việc phát hành tài liệu này nhắm vào bất kỳ cá nhân hoặc chính phủ cụ thể nào”, tuyên bố của Washington Post cho hay. “The Post tự hào đã tham gia báo cáo đã đưa Hồ sơ Pandora ra ánh sáng”.
Dữ liệu đầu vào của Hồ sơ Pandora
Hơn một nửa số tệp (6,4 triệu) là tài liệu văn bản, bao gồm hơn 4 triệu tệp PDF, một số trong số đó dài hơn 10.000 trang. Các tài liệu bao gồm hộ chiếu, bảng sao kê ngân hàng, tờ khai thuế, hồ sơ thành lập công ty, hợp đồng bất động sản và bảng câu hỏi thẩm định. Cũng có hơn 4,1 triệu hình ảnh và email trong vụ rò rỉ. Bảng tính chiếm 4% tài liệu – tương đương hơn 467.000. Các bản ghi cũng bao gồm các file trình chiếu và các tệp âm thanh - video.
Số tài liệu này được trích xuất trong hơn 11,9 triệu bản ghi, được ICIJ thu thập từ 14 nhà cung cấp cung cấp dịch vụ tại ít nhất 38 khu vực pháp lý. Điều này có khác biệt với cuộc điều tra Hồ sơ Panama năm 2016 dựa trên khối lượng tài liệu đều đến từ một nhà cung cấp duy nhất - công ty luật Mossack Fonseca.
 Hồ sơ Pandora tiết lộ thông tin tài chính "ngầm" của hàng trăm chính sách từ 90 quốc gia. Ảnh: ICIJ
Ngoài một số tệp tài liệu có từ những năm 1970, đa số tài liệu mà ICIJ nghiên cứu đều được tạo từ năm 1996 đến năm 2020. Số này bao phủ nhiều vấn đề: thành lập các công ty vỏ bọc và các quỹ tín thác; sử dụng các thực thể đó để mua bất động sản, du thuyền, máy bay và bảo hiểm nhân thọ; sử dụng chúng để đầu tư và chuyển tiền giữa các tài khoản ngân hàng; lập kế hoạch về tài sản và các vấn đề thừa kế khác; tránh thuế thông qua các chương trình tài chính phức tạp. Một số tài liệu gắn với tội phạm tài chính, trong đó có rửa tiền.
Dữ liệu được điều tra như thế nào?
Sau khi xác định các tài liệu có chứa thông tin về chủ sở hữu của các công ty ngoại biên (offshore entities), ICIJ thống nhất dữ liệu trong một cơ sở dữ liệu tập trung. Điều này tạo cho ICIJ và các đối tác truyền thông một tập dữ liệu duy nhất về các chủ sở hữu thụ hưởng từ các công ty hoạt động trong khu vực pháp lý hạn chế. ICIJ loại bỏ sự trùng lặp trong dữ liệu và xác định các yếu tố chính, chẳng hạn như quốc tịch của chủ sở hữu, quốc gia cư trú và nơi sinh.
Ngoài ra, tổ chức này cùng các đối tác truyền thông đã sử dụng công cụ tìm kiếm từ khóa để xác định các chính trị gia trong dữ liệu, sử dụng thông tin hộ chiếu để giúp xác định danh tính. Sau đó, họ dùng hồ sơ công khai để xác minh các chi tiết liên quan đến các công ty ngoại biên và để xác minh những người có tên trong dữ liệu thực sự là các nhà lãnh đạo chính trị.
ICIJ sau đó sắp xếp lại các thông tin theo dạng bảng tính và cho qua hai vòng kiểm tra tính xác thực. Đồng thời, ICIJ còn đối chiếu danh sách tỷ phú của Forbes với hồ sơ Pandora để tìm ra hơn 130 người có sơ hữu các công ty ngoại biên trong các khu vực pháp lý bí mật. Hơn 100 người trong số họ có tổng tài sản trị giá hơn 600 tỷ USD vào năm 2021.
Tạo rung chấn mạnh mẽ
Hồ sơ Panama năm 2016 do ICIJ triển khai và tiết lộ đã khiến hàng loạt chính trị gia, quan chức đã phải từ chức, trong đó có Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson, Bộ trưởng công nghiệp Tây Ban Nha Jose Manuel Soria. Đồng thời những thông tin trong tài liệu này cũng khiến cựu thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif bị kết án tù 10 năm vì tội tham nhũng.
 Danh sách "đen" trong hồ sơ Pandora có chính khách, tỷ phú đến ca sĩ... Ảnh: Reuters. 
Trong khi đó, Hồ sơ Paradise năm 2017 đã buộc Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos, người bị cáo buộc có tên trong danh sách, phải công khai trên trang mạng của Phủ Tổng thống nước này tình trạng tài chính cá nhân trong năm 2015 và 2016. Một loạt các chính khách và doanh nghiệp lớn có tên trong tài liệu này đã lên tiếng phủ nhận, giải thích và đưa ra cam kết trong sạch. Các Bộ trưởng Tài chính Brazil Meirelles và Bộ trưởng Nông nghiệp Maggi, Bộ trưởng Tài chính Argentina Caputo cũng đã phủ nhận mọi cáo buộc liên quan tới các quỹ và các công ty bị tình nghi trốn thuế thông qua các “thiên đường trốn thuế”.
Liên minh châu Âu cũng quyết định đưa vấn đề chống trốn thuế vào chương trình nghị sự hàng tháng của hội nghị bộ trưởng tài chính EU sau khi có những thông tin liên quan tới hồ sơ này. Ý tưởng lập một danh sách chung của EU về các thiên đường thuế được khởi xướng từ tháng 4/2016, sau khi xuất hiện vụ rò rỉ Hồ sơ Panama.
Báo Guardian dẫn lời Chủ tịch của ICIJ Gerard Ryle nhận định, Hồ sơ Pandora có thể sẽ gây chấn động lớn hơn những vụ rò rỉ trước đây, trong bối cảnh toàn thế giới đang phải vật lộn chống lại đại dịch Covid-19. Phản ứng trước vụ việc chấn động nhất hiện nay – Hồ sơ Pandora, giới chức trên toàn cầu đã có nhiều động thái khác nhau, chủ yếu là cam kết, phủ nhận hoặc im lặng. Thủ tướng CH Séc Andrej Babis phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào liên quan đến báo cáo điều tra của Hồ sơ Pandora, khi cho rằng ông sử dụng một công ty đầu tư nước ngoài để mua một lâu đài trị giá 22 triệu USD ở miền nam nước Pháp.
Trong khi đó Thủ tướng Pakistan Imran Khan tuyên bố, sẽ điều tra tất cả các công dân nước này có liên quan hồ sơ”. Theo Hồ sơ Pandora, các thành viên thuộc nội các của chính quyền Thủ tướng Khan, bao gồm các bộ trưởng và gia đình của họ, được cho là bí mật sở hữu các công ty và quỹ tín thác nắm giữ hàng triệu USD.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần