Nỗ lực hạ nhiệt lạm phát,  ông Biden cân nhắc giảm thuế với hàng Trung Quốc

Thu Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng ông đang xem xét dỡ bỏ một số thuế quan áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ thời người tiền nhiệm Donald Trump, nhằm giúp kiểm soát sự tăng giá của hàng hoá tiêu dùng tại Mỹ.

Tổng thống Joe Biden phát biểu  tại Nhà Trắng hôm 5/5. Ảnh: NYT
Tổng thống Joe Biden phát biểu  tại Nhà Trắng hôm 5/5. Ảnh: NYT

Theo CNBC, trong bài phát biểu từ Washington hôm 10/5, Tổng thống Biden cho biết Nhà Trắng đang rà soát các biện pháp thuế quan mà Mỹ áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc từ thời ông Trump. Việc áp thuế quan này đã góp phần đẩy tăng giá nhiều loại hàng hóa tiêu dùng tại Mỹ, từ tã giấy trẻ em cho tới quần áo và đồ gia dụng.

Ông Biden nói rằng chính phủ Mỹ có thể dỡ bỏ tất cả những thuế quan này. "Chúng tôi đang xem xét điều gì sẽ có tác động tích cực nhất," người đứng đầu Nhà Trắng cho hay.

Chính quyền cựu Tổng thống Trump đã áp đặt một loạt các biện pháp thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại "ăn miếng trả miếng" kéo dài với Bắc Kinh, với mục đích là đẩy mạnh nhu cầu hàng hóa do Mỹ sản xuất.

Giới chuyên gia kinh tế tỏ ra hoài nghi về mặt hiệu quả trong việc kiềm chế lạm phát nếu Mỹ dỡ thuế quan thời ông Trump đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc nới hoặc dỡ toàn bộ thuế quan trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là một trong số ít những lựa chọn giữa lúc Nhà Trắng sẵn sàng làm bất kỳ điều gì có thể để “hạ nhiệt” giá tiêu dùng.

Trong bài phát biểu của mình, ông Biden khẳng định rằng đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine là những nguyên nhân đẩy giá cả ở Mỹ tăng với tốc độ mạnh nhất kể từ đầu thập niên 1980.

“Tôi muốn tất cả người Mỹ hiểu rằng tôi đang xem xét vấn đề lạm phát một cách rất nghiêm túc. Nguyên nhân đầu tiên của lạm phát là trận đại dịch cả thế kỷ mới có một lần này. Dịch Covid-19 đã làm tê liệt nền kinh tế thế giới, khiến cho chuỗi cung ứng và nhu cầu bị xáo trộn mạnh. Và năm nay, chúng ta có một nguyên nhân lạm phát thứ hai nữa, đó là cuộc xung đột quân sự tại Ukraine,” Tổng thống Biden cho biết.

Do ảnh hưởng của chiến sự tại Ukraine, giá dầu WTI giao sau tại Mỹ hiện đã tăng khoảng 30 USD/thùng so với đầu năm, còn giá lúa mì và giá ngô tăng tương ứng 40% và 30%.

Theo các chuyên gia kinh tế, sự kết hợp giữa đại dịch, nhất là việc Trung Quốc phong tỏa để đối phó đợt bùng dịch gần đây, và xung đột quân sự Nga-Ukraine là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của Mỹ trong tháng 3 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh nhất kể từ cuối năm 1981. Số liệu CPI tháng 4 sẽ được công bố vào ngày thứ 11/5 (giờ Mỹ), với mức tăng được giới phân tích dự báo là 8,1%. Đối với lạm phát tháng 4, kết quả thăm dò của Dow Jones cho biết lạm phát Mỹ ước tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tuyên bố được Tổng thống Biden đưa ra hôm 10/5 là nỗ lực mới nhất của Washington nhằm thuyết phục công chúng Mỹ rằng Nhà Trắng đang cân nhắc tất cả các phương án có sẵn để kiềm chế đà tăng phi mã của giá hàng hóa. Hàng chục cuộc thăm dò trước đó cho thấy người Mỹ tin rằng lạm phát là vấn đề chính mà Washington phải đối mặt và là mối đe dọa đối với đà phục hồi kinh tế sau đợt suy thoái vì Covid-19. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện đang ở mức thấp, chỉ 3,6% trong tháng 4, nhưng giá xăng và giá thực phẩm tăng đang tiếp tục gây sức ép về tài chính đối với người dân.

Trong những tuần gần đây, ông chủ Nhà Trắng đã tìm cách xoa dịu những thất vọng của người Mỹ thông qua các bài phát biểu thường xuyên. Tuần trước, Tổng thống Biden đã đề cập đến việc cắt giảm đáng kể thâm hụt liên bang trong năm tài chính 2022.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần