Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗ lực nâng cao tiêu chuẩn an toàn thực phẩm

Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Áp dụng các hệ thống chứng nhận được quốc tế công nhận sẽ giúp Việt Nam gia tăng xuất khẩu, đa dạng hóa cơ hội thâm nhập vào các thị trường mới và cải thiện an toàn thực phẩm nội địa nhưng… không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng.

Ông Nguyễn Minh Kha đến từ tỉnh Đồng Nai, Việt Nam bắt đầu gây dựng trang trại chăn nuôi gia cầm vào năm 2009. Mặc dù sản phẩm của trang trại đáp ứng được các tiêu chuẩn để xuất khẩu vào Nhật, ông vẫn muốn nâng cao thương hiệu cho sản phẩm của mình nhằm dễ dàng tiếp cận hơn với các thị trường trong khu vực và quốc tế, cũng như mở rộng tiêu thụ ngay tại thị trường nội địa.
 
Ông đã quyết định áp dụng các tiêu chuẩn của chứng nhận GLOBAL.G.A.P. nhằm hướng đến Thực hành Nông nghiệp Tốt và các tiêu chuẩn tương đương. Các kết quả tích cực từ việc áp dụng GLOBALG.A.P. đang dần bộc lộ khi tỷ lệ chết và thải loại gia cầm đã giảm. Ngoài ra, với cùng số ngày nuôi thì gà xuất chuồng giờ có trọng lượng nặng hơn trong khi dùng ít thức ăn hơn. Vì thế, ông Kha tin rằng cùng với việc năng suất tăng lên giúp bù đắp phần gia tăng chi phí tuân thủ tiêu chuẩn, trang trại gà của ông sẽ có thêm cơ hội thâm nhập các thị trường khó tính như châu Âu từ việc áp dụng các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận. Đồng thời, tiêu thụ nội địa cũng sẽ gia tăng khi mà người tiêu dùng ngày càng có ý thức hơn về an toàn thực phẩm và tìm kiếm các sản phẩm đạt tiêu chuẩn và có thể truy xuất nguồn gốc.
Trại gà của ông Kha là một trong hai trang trại gà từ Đồng Nai và Bình Phước đạt được chứng chỉ GLOBALG.A.P. với sự tư vấn của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) trong một năm qua. Song theo IFC, các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam thường gặp “rào cản” ban đầu về tâm lý khi áp dụng những bộ tiêu chuẩn quốc tế. Dù biết rằng chứng nhận An toàn Thực phẩm Quốc tế như GLOBALG.A.P. là “chìa khoá” để mở cửa thị trường xuất khẩu nhưng các doanh nghiệp vẫn “ngại” đầu tư vào các chứng chỉ này do doanh nghiệp vẫn coi đây là khoản chi phí doanh nghiệp hơn là khoản đầu tư cho những cơ hội trong tương lai.
“Đầu tư vào các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong nhiều trường hợp vẫn bị xem là một loại chi phí của doanh nghiệp. Nhưng thực tế, an toàn thực phẩm giúp mở ra các thị trường mới và mang lại tỷ suất hoàn vốn đầu tư cao trong dài hạn, qua đó bù đắp được các chi phí mà doanh nghiệp đã bỏ ra để áp dụng các tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm”, bà Sarah Cruikshank Ockman, Giám đốc Toàn cầu Chương trình An toàn Thực phẩm của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) nhận định.
 
Kết quả khảo sát 100 doanh nghiệp nhỏ ngành thực phẩm của Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) được công bố gần đây cho thấy, doanh nghiệp nhận biết còn khó khăn về các tiêu chuẩn như VietGAP, GLOBALG.A.P. Cụ thể, 98% doanh nghiệp có nghe, biết về VietGAP và 44% doanh nghiệp có nghe, có biết về GLOBALG.A.P., nhưng chỉ 11% có chứng nhận VietGAP, 7% có GLOBALG.A.P.
Vì thế, để hướng đến xuất khẩu với các sản phẩm chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và giá thành cạnh tranh, theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngành nông nghiệp xác định việc tổ chức lại theo chuỗi liên kết, gắn kết các quy trình sản xuất chặt chẽ với các tiêu chuẩn an toàn như VietGAP, GLOBALG.A.P… là “chìa khoá” mang tính quyết định.
Song để định hình và tạo dựng chiếc “chìa khoá” này, chuyên gia của IFC cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua được “rào cản” tâm lý, thực sự hiểu được những giá trị mà những tiêu chuẩn quốc tế như GLOBALG.A.P. mang lại.
Đại diện IFC cho biết, bằng cách thiết lập một hệ thống tập trung vào vệ sinh và an toàn sinh học, giảm sử dụng kháng sinh, và thực hiện truy xuất nguồn gốc, triển khai cùng với nhiều quy trình và tiêu chuẩn khác, hai trang trại nói trên đã có thể cung cấp khoảng 3 triệu con gà thịt tương đương hơn 6 triệu tấn thịt gà đạt chứng nhận GLOBALG.A.P. cho thị trường nội địa và xuất khẩu vào Nhật Bản trong một năm qua.
Không chỉ hướng tới xuất khẩu, việc đẩy mạnh áp dụng những bộ tiêu chuẩn quốc tế đối với sản phẩm tiêu dùng trong nước cũng là vấn đề cấp bách tại Việt Nam hiện nay. Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, thực phẩm không an toàn gây bệnh cho 600 triệu người và gây lãng phí hơn 100 tỷ USD tại các thị trường mới nổi do phát sinh các chi phí chăm sóc y tế và suy giảm năng suất lao động. Tại Việt Nam, thực phẩm – đồ uống chiếm tới 35% tổng chi tiêu hàng tháng của các hộ gia đình. Tốc độ tăng trưởng bình quân năm của ngành đạt 15%, là một trong những thị trường dẫn đầu châu Á. Song, việc thiếu các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm có thể kiềm chế tiềm năng phát triển của ngành, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng, và đẩy các công ty địa phương ra khỏi các chuỗi giá trị thực phẩm hiện đại và cản trở sự tăng trưởng doanh thu của các công ty này trong tương lai.
Trong hai ngày 28 và 29 tháng 11, Diễn đàn An toàn Thực phẩm Quốc tế thường niên lần thứ 7 của IFC sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, quy tụ các công ty thực phẩm hàng đầu thế giới và các doanh nghiệp Việt Nam. Các diễn giả đầu ngành sẽ chia sẻ kinh nghiệm tận dụng tốt nhất các khoản đầu tư nhằm cải thiện vấn đề an toàn thực phẩm, thúc đẩy tăng trưởng doanh số của công ty. Doanh nghiệp Việt Nam đăng ký tham dự liên hệ địa chỉ email upham@ifc.org để được hưởng ưu đãi đặc biệt.