Nô nức đi chợ “mua may, bán rủi”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đến hẹn lại lên, vào ngày 8/1 Tết Âm lịch chợ Viềng xã Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định lại khai hội, nhân dân và khách thập phương đổ về dự lễ hội chợ Viềng.

KTĐT - Đến hẹn lại lên, vào ngày 8/1 Tết Âm lịch chợ Viềng xã Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định lại khai hội, nhân dân và khách thập phương đổ về dự lễ hội chợ Viềng.

Chợ chỉ họp 1 lần duy nhất trong năm

Không rét như những ngày trước Tết, thời tiết sau Tết thuận lợi cho du khách từ nhiều nơi đi chơi hội. Từ 20h ngày 7 âm lịch, khắp các tuyến đường ra vào xã Nam Giang người và xe đã nườm nượp, nhiều đoạn cũng đã bắt đầu xuất hiện tình trạng kẹt xe. Không riêng gì người dân Nam Định đi chợ Viềng mà còn rất nhiều người ở các nơi như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… cũng về chợ. Nhiều ô tô con các tỉnh xa về phải gửi xe cách xa chợ hàng cây số.

Sản phẩm được đem ra mua bán ở chợ Viềng chủ yếu là cây trồng, nông cụ, thực phẩm, từ các loại cây ăn quả tới cây cảnh, cây hoa, cây chanh, cây ớt, đến các vật dụng sản xuất nhỏ của nhà nông như cuốc, cày, liềm… Ở chợ cũng có rất nhiều đồ cổ và giả cổ.

Hàng vạn người đến với chợ Viềng để cầu may mắn, bình an, hạnh phúc cho bản thân, gia đình, đồng thời xua đi những rủi ro trong năm mới với tâm lý “mua may, bán rủi”.

Biết là đông đúc nhưng mọi người vẫn cố đến chợ với những mong ước riêng. Anh Lê Văn Sang ở phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội tâm sự: “Gia đình tôi năm nào cũng đi chợ Viềng. Mỗi năm cố gắng mua một loại cây để về trồng, mong muốn gia đình được may mắn cả năm”.

Cũng có người chỉ mới lần đầu tới chợ, ông Nguyễn Trọng Trúc ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết: “Qua báo, đài tôi được biết về chợ Viềng (Nam Giang) nên năm nay quyết tâm đi”.

Cả người đến chợ và người bán hàng đều mong muốn việc mua bán diễn ra thuận lợi để gặp được nhiều may mắn trong những ngày đầu năm. Chị Trần Thị Nhung ở xã Nam Giang đang bán các nông cụ sản xuất nông nghiệp cho hay, gia đình chị làm nghề rèn, năm nào chị cũng đi chợ bán hàng lấy may cho cả năm được thuận lợi. Bán ở chợ những ngày này cũng đắt hàng hơn, người mua cũng ít trả giá.

Có những người bán hàng chỉ lấy vui, nhất là những người bán đồ cổ, họ ra chợ để giao du với khách hàng, nói chuyện về cổ vật, làm quen những người có cùng sở thích…  vì vậy cả người bán và người mua đều phấn khởi khi bán hoặc mua được cho mình món đồ ưng ý.

Món hàng mà nhiều người đi chợ rất hay mua, đó là thịt bê thui, dù đắt hay rẻ cũng mang về nhà một ít. Không những đây là món ăn khoái khẩu của nhiều người mà theo quan niệm, khi mang miếng thịt màu đỏ, da màu vàng vào nhà ngày đầu xuân thì sẽ có nhiều điều may mắn.

Theo trụ trì chùa Đại Bi – Đại đức Thích Bảo Thức, năm nay người đi chợ Viềng đông hơn mọi năm. Theo lệ thì người đến chợ trước khi mua bán thì vào chùa Đại Bi thắp hương dâng lên Đức Phật. Đây cũng là truyền thống của người đi chợ viềng Nam Giang.

Đi cùng chúng tôi trong phiên chợ, ông Nguyễn Thế Lưu – Trưởng phòng Văn hóa thông tin và truyền thông huyện Nam Trực, phó ban Chỉ đạo lễ hội chợ Viềng cho biết: An ninh hội chợ được quản lý chặt chẽ hơn mọi năm. Ngay từ khâu chuẩn bị, Ban Tổ chức đã lên kế hoạch quy định mức giá thu giữ xe, các mặt hàng được phép buôn bán và các mặt hàng cấm, các trò vui chơi giải trí diễn ra trong hội chợ. Các đội tuần tra, các chốt canh được bố trí trên khắp các tuyến đường dẫn vào hội chợ đảm bảo an toàn giao thông. Đồng thời thể hiện tấm lòng hiếu khách của người dân Nam Trực bằng nét đẹp văn hóa giao tiếp ứng xử, văn hóa tâm linh, văn hóa làng nghề… tạo ấn tượng tốt đẹp cho người đến du xuân chợ Viềng./.