Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nợ xấu bất động sản: Mối lo từ các ngân hàng nhỏ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dù tỉ lệ nợ xấu vẫn ở trong ngưỡng an toàn, nhưng con số 40% nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) trong 3% tỉ lệ nợ xấu bất động sản (BĐS) trên tổng dư nợ lĩnh vực BĐS cũng là con số cần được lưu tâm - đó là ý kiến đã được các đại biểu nêu ra tại Hội thảo "Tác động của thị trường BĐS tới thị trường tài chính Việt Nam" do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tổ chức sáng 18/8.

Sức ép về vốn

Trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, vốn cho BĐS vẫn là vấn đề được cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp (DN) kêu ca nhiều nhất.

Theo Tập đoàn CT&D - DN (đầu tư vào những dự án lớn như KĐT Phú Mỹ Hưng, Đại lộ Nguyễn Văn Linh…), những thay đổi quá nhanh trong chính sách tín dụng đang tạo ra khó khăn lớn cho các nhà đầu tư. Đối với khách hàng cá nhân có nhu cầu mua nhà, việc hạn chế cho vay BĐS đã làm lãi suất cho vay mua nhà của Việt Nam lên quá cao (trên 20%). So với một số nước trong khu vực, con số này chỉ ở mức 2,5%/năm. Lãi cao đã khiến đa số khách hàng của doanh nghiệp chờ đến khi tiết kiệm đủ tiền mới mua nhà chứ không vay ngân hàng như nhiều nước khác.

Cũng như thường lệ, lại là những kiến nghị rất cũ. Đó là ý kiến về việc không nên áp dụng chính sách hạn chế tín dụng cho tất cả loại hình BĐS, nên ưu tiên tín dụng phục vụ nhu cầu nhà ở thiết thực, khả thi với những người thu nhập thấp và hỗ trợ vốn phát triển Khu ĐTM nên được nhìn nhận ở góc độ tích cực, khác với BĐS riêng lẻ.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, sức ép lớn nhất của BĐS hiện nay là vốn. Dù đang trong thời kỳ khó khăn, nhưng đây vẫn là thị trường tiềm năng, hấp dẫn các nhà đầu tư. "Dự báo, từ nay đến năm 2020, cả nước cần thêm một tỉ mét vuông nhà ở. Vì vậy, cần tạo thêm nguồn vốn cho thị trường này. Bên cạnh đó, thời gian tới, Bộ Xây dựng cũng tập trung và hướng doanh nghiệp đầu tư vào các phân khúc thị trường có nhu cầu caolà nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà chung cư, nhà cho thuê" - ông Nam nói.

Rủi ro tín dụng BĐS

Tính đến cuối tháng 6/2011, dư nợ BĐS của các tổ chức tín dụng khoảng 245.000 tỉ đồng, tương đương với 10% tổng dư nợ của nền kinh tế, trong đó nợ xấu BĐS chiếm khoảng 3%. Đặc biệt, đáng chú ý là nợ thuộc nhóm nợ có khả năng mất vốn chiếm khoảng 40%.

Tín dụng BĐS chủ yếu tập trung vào hai thị trường TP. HCM và Hà Nội, với tỉ lệ tương ứng là 45% và 18% tổng dư nợ BĐS.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch UB Giảm sát Tài chính quốc gia, rủi ro của tín dụng BĐS tập trung chủ yếu ở các ngân hàng nhỏ. Một số ngân hàng có tỉ trọng dư nợ BĐS chiếm tới 30 - 40%. "Tỷ lệ này cao đáng lo ngại" - ông Nghĩa nói.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, về phía các ngân hàng, việc quản lý rủi ro đối với BĐS khá yếu kém. Nếu qui định hệ số rủi ro lên tới 250% cũng không ngăn ngừa được rủi ro này và việc định giá BĐS thấp với tỉ lệ 50 -70% chỉ có tác dụng phòng ngừa nhất định trong điều kiện bình thường../

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào BĐS giảm mạnh, vốn đăng ký từ mức 26,6 tỉ USD năm 2008 xuống 6,84 tỉ USD năm 2010 và 6 tháng đầu năm nay chỉ còn 305 triệu USD. Ngược lại, lượng kiều hối đầu tư vào lĩnh vực này đang tăng. Theo điều tra 4.000 hộ nhận kiều hối, có tới 52% kiều hối chọn kênh bất động sản, số còn lại gửi tiết kiệm và tiêu dùng.