Vướng thuế và tranh chấp
Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu tồn đọng gần đây đang chững lại do gặp phải những vướng mắc khi triển khai NQ 42. Trong khi nợ xấu mới lại đang phát sinh nhanh hơn. Theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ước đến cuối tháng 6/2019 là 1,91%, tăng nhẹ so với mức cuối năm 2018 là 1,89%.
Nợ xấu tăng, các ngân hàng phải trích lập dự phòng và phần trích lập dự phòng rủi ro sẽ tính vào chi phí. Trong những tháng cuối năm, lãi suất khó có khả năng giảm do yếu tố mùa vụ và áp lực cơ cấu lại nguồn vốn của các ngân hàng. TS Nguyễn Trí Hiếu |
Thực tế, NQ 42 dù đã đưa ra những giải pháp đột phá, nhưng khi triển khai vào thực tiễn đang bộc lộ một số vấn đề. Theo Phó Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng, Agribank có hơn 100.000 tỷ đồng nợ xấu cần xử lý theo NQ 42, trong đó có gần 7.000 vụ tranh chấp phát sinh qua tòa án dân sự. Sau 2 năm áp dụng NQ 42, đơn vị mới thực hiện hơn 10 vụ. Bên cạnh đó, ngân hàng gặp khó khăn khi phát sinh thuế trong quá trình thu hồi nợ. “Có nhiều tài sản đảm bảo Agribank đấu giá thành công, nhưng cơ quan thuế và địa phương áp dụng theo cách khác nhau, dẫn đến tình trạng những tài sản thu hồi bị kéo dài thời gian, gây thiệt hại cho người mua do không thể chuyển đổi, sang tên để tiếp tục sử dụng tài sản phục vụ sản xuất, kinh doanh”- ông Vượng cho hay.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) Đỗ Giang Nam giải thích: “Khi chuyển nhượng tài sản, các chủ thể tham gia có thể chịu một số loại thuế như thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân. Chẳng hạn, trước đây, DN hạch toán giá vốn tài sản là 100 tỷ đồng, nay bán được 200 tỷ đồng thì phát sinh thu nhập phải chịu thuế. Thực tế, DN lại đang nợ ngân hàng đến 300 tỷ đồng. Do đó, khi xử lý tài sản bảo đảm, cơ quan thuế bắt nộp thuế thu nhập nhưng thực tế DN có còn gì đâu, ngân hàng đấu giá tài sản của DN là để thu hồi nợ”- ông Nam nói. Cũng theo ông Nam, ngay cả khi Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã có hướng dẫn cách xử lý theo NQ 42 nhưng cách hiểu và vận dụng ở các cục thuế địa phương vẫn không thống nhất.
Liên quan đến thủ tục rút gọn tại tòa án, Quyền Chánh Thanh tra cơ quan thanh tra giám sát NHNN Nguyễn Văn Du cho biết, mới ghi nhận 6 hồ sơ được tòa án thụ lý. “Bên cạnh đó, khi bên có nghĩa vụ trả nợ/chủ tài sản/bên bảo đảm không hợp tác, chống đối, rất dễ dẫn đến trường hợp cố tình tạo ra các tình tiết mới để đưa vụ án về thủ tục tố tụng thông thường, nhằm mục đích kéo dài thời gian giải quyết vụ việc”- ông Du phân tích thêm.
Nợ cũ chưa xong, nợ mới lại đến
Theo các Ngân hàng Thương mại, tuy có tới hơn 52% nợ xấu theo NQ 42 đã được xử lý trong vòng 2 năm, song 48% số nợ xấu còn lại mới là nợ khó xử lý nhất, vì những khoản nợ dễ thu hồi đã được ngân hàng xử lý trước. Số nợ xấu còn lại, là những món “xương xẩu”, khó nhằn nhất. Thực tế, nhiều khối tài sản quá lớn không có người mua do tiềm lực tài chính hạn chế, nhất là khi thị trường mua bán nợ tại Việt Nam chưa hoàn chỉnh nên chưa thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài tham gia.
Trong khi nợ cũ chưa xử lý xong, nợ có vấn đề phát sinh thêm vẫn luôn rình rập các ngân hàng. Báo cáo tài chính riêng lẻ quý III/2019 của Ngân hàng MB ghi nhận nợ xấu tại thời điểm cuối kỳ tăng từ 1,22% của đầu kỳ lên 1,35% chủ yếu do nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng gần 390 tỷ đồng lên 1.345 tỷ đồng. Tại Ngân hàng OCB, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng 50% và nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng 152%. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của OCB tăng lên mức 2,62% so với mức 2,29% hồi đầu năm. Tại Techcombank, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1,75% lên 1,80%. Một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu ở mức trên 3% bao gồm: PGBank (3,07%)..
Theo Công ty CP Chứng khoán VNDirect, khác với trước đây, nợ xấu trong quá khứ của các ngân hàng đến từ các khoản cho vay với mục đích đầu cơ và các hoạt động không phải ngành kinh doanh chính (như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản) và cho vay các khoản đầu tư không hiệu quả của DN quốc doanh. Trong khi đó, nợ xấu mới hiện tại lại đến từ các khoản đầu tư của tư nhân và vay tiêu dùng của hộ gia đình và cá nhân… Do đó, nợ xấu sẽ tăng nhiều nhất ở các ngân hàng mở rộng mạnh trong mảng bán lẻ, đặc biệt là tài chính tiêu dùng, do hoạt động này rủi ro cao và tăng chậm hơn ở ngân hàng có tiêu chuẩn cho vay khắt khe hơn và việc mở rộng cho vay bán lẻ thận trọng hơn.