Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗi buồn người “lùi lại”

Đan Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mô hình gia đình một người là trụ cột kinh tế, một người lùi lại là hậu phương là chuyện quá bình thường từ trước đến nay. Nhưng những mâu thuẫn, nỗi buồn cũng nảy sinh không ít khi không thể dung hòa được cách cư xử.

Một người đàn ông chia sẻ, anh đã quá mệt mỏi với tình cảnh của mình. Phải chăng anh đã sai lầm khi lùi lại sau vợ mình để chị được thảnh thơi thăng tiến, phải chăng vợ anh đã không hiểu được thiện ý của chồng mình. Trong con mắt của chị, anh chỉ là một người vô dụng, một gã bỏ đi.
Ảnh minh họa.
Lúc họ lấy nhau, cả hai vẫn chỉ là nhân viên sống dựa vào đồng lương. Chị giỏi giang và xinh đẹp, thăng tiến nhanh. Năm năm sau, khi hai đứa con ra đời, chị đã có một chỗ đứng vững chắc trong công ty, còn anh vẫn chỉ là một chuyên viên nhà nước, với mức lương hàng tháng đủ uống cà phê, đổ xăng và ăn sáng. Nhưng anh không ghen tức, không buồn vì điều đó. Anh thầm phục chị và ngầm ủng hộ để chị nắm bắt được cơ hội vươn lên. Bởi anh hiểu rằng, cũng như người đàn ông, nếu thiếu một hậu phương, chị sẽ khó vững lòng tiến bước. Anh nhận lấy phần chăm sóc hai đứa con, vun vén những việc nội trợ trong gia đình để chị rảnh rang với sự nghiệp. Để rồi đến một ngày, anh giật mình khi nhìn thấy những ánh mắt không thiện cảm của vợ.

Con đường thăng tiến của chị cứ cao dần, anh thấy mình càng thụt lại phía sau cùng thái độ kể cả của chị trong gia đình. Đúng là chị là người làm ra kinh tế chính, những khoản mua sắm lớn nhỏ trong nhà đều một tay chị lo toan. Nhưng cũng bởi kiếm được nhiều tiền hơn chồng, trong mắt chị anh chẳng còn là gì cả. Kể cả những hôm đi làm về sớm, thấy chồng cứ cặm cụi bếp núc hay dọn dẹp nhà cửa, chị không hỏi han mà chỉ bĩu môi, lắc đầu. Thỉnh thoảng chị lại mời những đôi vợ chồng giàu có đến nhà chơi rồi hết lòng khen ngợi chồng họ. Những lúc ấy, đúng là đàn ông thật nhưng anh cũng không thể không nuốt thầm những giọt nước mắt đắng ngắt.

Không chỉ người đàn ông chấp nhận lùi lại mới rơi vào cảnh buồn ấy, không ít người phụ nữ cũng mệt mỏi bởi cuộc sống phụ thuộc về kinh tế. Một người phụ nữ trẻ chia sẻ, chị lấy chồng tính năm kể tháng cũng đã được năm năm, nhưng thời gian chị được hạnh phúc trong cuộc sống làm vợ chắc chỉ tính bằng ngày. Hai người đến với nhau cũng bắt đầu bằng tình yêu. Anh là người năng nổ, giỏi kiếm tiền, nhưng lại gia trưởng, độc đoán, chỉ muốn người khác phục tùng mình mà không quan tâm đến cảm giác của ai. Anh muốn chị ở nhà nội trợ, chăm con. Nghĩ lương bổng mình kiếm được chẳng đáng là bao so với thu nhập của anh, nên chị cũng xếp lại công việc, chuyên tâm làm một người phụ nữ của gia đình. Nhưng càng ngày, chị càng thấy mình xa lạ, lạc lõng với cuộc sống sôi động bên ngoài và có lẽ, anh cũng nghĩ như vậy. Anh ít chia sẻ điều gì với vợ. Những lần bàn bạc, trò chuyện thật hiếm hoi. Chị như kẻ đứng bên lề nhìn vào cuộc sống của chồng mà ngưỡng mộ, xen lẫn với tiếc nuối và buồn bã.

Anh đi về thất thường, chẳng thèm ngó ngàng nhà cửa, vợ con, tiền bạc anh đưa như ban phát. Mỗi lần xảy ra mâu thuẫn, anh lại mắng chị: “Cô là đồ không biết điều. Tôi lao tâm khổ tứ cày hùng hục suốt ngày cũng vì ai, vì gia đình này, thế mà cô cứ một câu bảo tôi không quan tâm đến vợ con. Nếu không có tôi, cái nhà này có mọc lên không, những đồ đạc kia có ở đấy không...”. Anh liên tục giảng giải về vai trò của mình trong gia đình, lỗi lầm của người vợ không thấu hiểu chồng ở chị. Những lúc ấy, chị cay đắng nghĩ đến cảnh làm vợ của mình. Anh có học, chị cũng đâu có kém cỏi gì, chỉ là chị đã chấp nhận lùi lại. Có lẽ đó là sai lầm chăng.

Thực tế cho thấy rằng, dù là đàn ông hay phụ nữ, những người lùi lại, chấp nhận làm hậu phương đã là sự hi sinh cho gia đình, vì họ biết lựa chọn việc làm phù hợp nhất để có được một gia đình hạnh phúc. Chính cách cư xử của người chồng, người vợ được coi là trụ cột kinh tế có ý nghĩa rất lớn trong việc duy trì mối quan hệ hôn nhân. Bởi sức chịu đựng của mỗi người đều có hạn, những va chạm nhỏ nhặt trong cuộc sống nhưng sức tàn phá thật ghê gớm với hạnh phúc.

Với người đàn ông ở câu chuyện trên, anh không phải người cổ hủ, bất tài hay chậm tiến. Có những lúc anh cũng muốn tung hê tất cả, bước ra ganh đua với vợ trong việc thăng tiến. Rồi anh cũng đi sớm về khuya, cũng lu bù trong những bữa nhậu để tạo mối quan hệ, cũng liên lu trong công việc, rồi những chuyến công tác xa nhà. Nhưng quay đầu nhìn những đứa con còn bé dại, anh không muốn chúng rơi vào cái cảnh mồ côi khi bố mẹ còn sống. Của chồng công vợ, nhưng có những lúc sự đời lại không đơn giản vậy.