Nỗi buồn riêng ai

Bảo Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chị biết sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã giúp nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn được thỏa mãn khát khao làm bố, làm mẹ.

Tuy nhiên, chị lại không được theo đuổi niềm mong ước ấy. Không ít những giọt nước mắt đã lặng rơi và có thể cả những đổ vỡ không ai mong đợi cũng sẽ xảy ra trong những ngôi nhà không có tiếng trẻ thơ ấy.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Chị lấy chồng đã 5 năm có lẻ, nhưng chưa một lần có thai, cuộc sống đủ đầy nhưng vẫn chưa thành một gia đình đúng nghĩa, vì thiếu vắng tiếng cười con trẻ. Chị cũng hiểu rằng, việc vô sinh bây giờ không phải là ít, nhưng chị thèm khát đến nao lòng khi thấy vợ chồng người ta khi rơi vào cảnh ngộ của chị thì mau chóng đưa nhau đến bệnh viện để khám, để tìm nguyên nhân và tìm giải pháp cho cảnh hiếm muộn. Còn anh chẳng bao giờ dẫn chị đến những nơi như thế. Đơn giản vì người mong con là chị chứ không phải là anh.

Cùng vì thế, chị lúc nào cũng có cảm giác cuộc sống “lửng lơ” và sợ mỗi khi phải về thăm nhà chồng. Bởi cứ nhìn thấy chị là mẹ chồng lại thở ngắn than dài, cứ như nguyên nhân không có con tất cả do chị. Không ít lần bà còn bóng gió đay nghiến con dâu là “cá rô đực”, đồ “dừa điếc”, rằng nếu không đẻ được thì buông tha cho con trai bà để anh ta đi kiếm cho mụn cháu hay không đẻ được là có tội với tổ tiên.

Bà có biết đâu rằng, đã không biết bao lần quá sốt ruột với chuyện con cái, chị đã tự mình đi khám mà không thông qua anh. Kết quả chưa thấy đâu, anh biết chuyện lại mặt nặng mày nhẹ với chị một cách căng thẳng chỉ vấn đề chi phí. Chị nghe anh nói mà như người chết đứng, gạt nước mắt, chị gãy lưỡi thanh minh rằng chị chỉ mới đi khám tổng quát có đáng bao tiền. Hơn nữa, chị cũng công ăn việc làm, nếu việc vô sinh xuất phát từ phía chị, chị có thể làm ra tiền để chữa trị bệnh cho mình, đâu phải dựa hoàn toàn vào anh... Sau mỗi lần như thế, anh ra phòng riêng ngủ, bỏ chị một mình vò võ. Không thể chịu đựng mãi, chị nghĩ cần phải có một buổi nói chuyện thẳng thắn với anh, đề nghị anh hợp tác khám chữa để cho chị một đứa con như mong đợi của chị và cả gia đình. Nếu anh không muốn mất tiền chạy chữa hay nuôi con, chị sẽ tự lo. Nếu may mắn mỉm cười với số phận họ, coi như đứa con đó là món quà anh tặng chị sau bao nhiêu năm tình nghĩa vợ chồng. Chị hết lời van vỉ anh. Nhưng thay vì cảm thông, chia sẻ với chị như cái lẽ thường tình, anh lại vặc lại: “Anh không đi khám gì cả, chẳng qua là vì em không có khả năng mang thai thôi. Anh hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường, bắt anh đi khám là chuyện vô lý. Bước chân vào bệnh viện vì việc mình yếu sinh lý ư, không có khả năng ư, anh làm thế để mọi người cười vào mũi anh, nói anh không phải là đàn ông à”. Chị lại một lần nữa chết lặng vì suy nghĩ ích kỷ của anh. Chỉ vì sợ mọi người cười mà anh tàn nhẫn tước bỏ quyền làm mẹ của chị. Mà nào có ai cười cái việc mong mỏi tìm kiếm một đứa con bao giờ. Chị chỉ mong anh đặt mình vào chị mà hiểu rằng, lấy chồng, người phụ nữ thèm có được đứa con đến chừng nào. Chị mong được sự chia sẻ từ nơi anh. Chị đã kể cho anh nghe rất nhiều câu chuyện về những cặp vợ chồng rơi vào hoàn cảnh hiếm muộn như họ, đã tích cực thế nào để có con. Chị kể để anh thấy rằng nguyên nhân vô sinh không hẳn chỉ ở người phụ nữ, rằng bây giờ còn rất nhiều phương pháp để có thể mang lại hy vọng. Chị cũng muốn gieo vào anh cả những niềm vui có được khi chị gặp những cặp vợ chồng ôm lấy nhau mừng rỡ khi bác sỹ báo tin họ đã có bầu…

Nhưng đáp lại sự nỗ lực van xin, năn nỉ của chị chỉ là những lạnh lùng đến tàn nhẫn nơi anh. Sau những cuộc nói chuyện ấy, hy vọng trong chị như vụt tắt. Chị cũng không biết nói sao về người chồng có một không hai của mình. Cuộc sống nặng nề ngày ngày trôi qua, chị càng thèm làm sao nghe tiếng trẻ con khóc, nhìn trẻ con nô đùa. Nhiều đêm thức giấc, chị ra lan can đứng ngắm trời đêm hàng tiếng đồng hồ, chị cảm thấy cô đơn khủng khiếp. Chị không biết mình có muốn duy trì cuộc hôn nhân này hay không, hay như lời mẹ chồng chị, giải thoát cho anh, cũng là giải thoát cho chính hoàn cảnh của chị?