Nghị lực phi thường của những người thân
Từng tham gia chiến đấu tại Chiến dịch đường 9 Nam Lào vào năm 1970, Ông Nguyễn Văn Thiện ở thôn 8, xã Ea Đar, huyện Ea Kar đã bị phơi nhiễm chất độc Dioxin nhưng không hề hay biết. Đến khi lấy vợ sinh con thì nỗi đau sau chiến tranh đã gây ra cho gia đình ông cho đến hôm nay. Vợ chồng ông Thiện sinh được 5 người con thì 2 người bị di chứng chất độc da cam Dioxin. Người con đầu đã qua đời khi vừa mới sinh, người con thứ 2 là chị Nguyễn Thị Thành sinh năm 1981 bị dị tật bẩm sinh, mắt không có con ngươi, từ trán trở lên đều mềm nhũn như thóp trẻ em. Đã 43 tuổi nhưng chị Thành vẫn không thể đi lại được, mọi sinh hoạt phụ thuộc vào sự giúp đỡ của cha mẹ, người thân. Hành trình cùng chồng chăm con gái bị di chứng chất độc da cam là những chuỗi ngày đầy lo toan, vất vả và những giọt nước mắt đau khổ của bà Nguyễn Thị Minh. Bằng tình yêu của cha mẹ đã tạo nên sức mạnh để ông bà vượt qua nỗi đau, đồng hành cùng con gái trong suốt 43 năm qua.
Bà Nguyễn Thị Minh chia sẻ: Vợ chồng tôi đã cố gắng vượt qua khó khăn vất vả của cuộc sống. Sinh con không may bị dị tật do di chứng chất độc da cam, hơn ai hết chúng tôi thấu hiểu những nỗi đau mà chiến tranh mang lại. Nỗi đau da cam vẫn còn hiện hữu trong nhiều gia đình cựu chiến binh như gia đình tôi.
Ông Nguyễn Đình Giang ở xã Cư Ni, huyện Ea Kar có 4 người con thì hai người bị ảnh hưởng chất độc da cam, người nặng là chị Nguyễn Thị Viền bị liệt bẩm sinh, mọi sinh hoạt đều phải nhờ sự giúp đỡ của người thân. Bản thân ông Giang cũng mắc nhiều bệnh nên cuộc sống còn nhiều vất vả. Thấu hiểu nỗi đau của chồng, sự thiệt thòi của các con, Bà Nguyễn Thị Kền vợ ông Nguyễn Đình Giang đã luôn động viên chồng con. Lau khô những giọt nước mắt vẫn rơi giữa thời bình bằng ý chí và nghị lực phi thường vươn lên vượt qua nỗi đau xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bà Kền chia sẻ: Mỗi khi thấy chồng kêu đau, con gái í ới như trẻ con, bà lại nén nỗi đau để động viên chồng, chăm sóc con. Năm nay đã ngần 80 tuổi, nỗi niềm lớn nhất của ông bà nếu không may có mệnh hệ gì thì con gái sẽ như thế nào, trong khi chế độ chính sách dành cho người chăm sóc các nạn nhân da cam không có.
Nỗi đau gia cam cũng đang hiện hữu giữa đời thường cựu chiến binh Huỳnh Thanh Tùng ở thôn 2, xã Dang Kang, huyện Krông Bông, Đắk Lắk. Nhập ngũ năm 1972, 3 năm trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở chiến trường Quảng Nam. Do bị nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh nên sau khi lập gia đình sinh được 4 người con thì con trai thứ 4 là Huỳnh Thanh Tâm sinh năm 1995 mắc chứng bại não bẩm sinh. Bản thân ông Tùng cũng thường xuyên ốm đau, không chịu khuất phục khó khăn vất vả, vợ chồng ông đã đồng cam cộng khổ để vươn lên phát triển kinh tế gia đình.
Sau nhiều năm gom góp, vay mượn vợ chồng ông Tùng mua được gần 2ha đất để trồng cà phê xen hồ tiêu và các loại cây ăn quả. Nhờ sự cần cù, chịu khó và mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào canh tác nên cây trồng nhà ông luôn cho năng suất cao. Đến nay, kinh tế gia đình đã ổn định, xây dựng được nhà cửa khang trang. Mặc dù vậy nhưng ông Tùng vẫn chưa cho phép mình nghỉ ngơi mà vẫn phải cố gắng lao động sản xuất để có điều kiện chăm lo cho người con trai tật nguyền. Ông Huỳnh Thanh Tùng chia sẻ: Tôi cố gắng làm ăn là để chăm lo cho các con được tốt hơn, nhất là con trai bị tật bẩm sinh do di chứng chất độc da cam dioxin mà tôi đã bị phơi nhiễm trong chiến tranh.
Chung tay xoa dịu nỗi đau
Theo thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đắk Lắk, hiện nay toàn tỉnh có trên 3.500 người bị di chứng chất độc da cam/dioxin, trong đó có 235 người là nạn nhân thế hệ thứ 3.
Thực hiện Chỉ thị số 43, ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”, tỉnh Đắk Lắk đã cơ bản hoàn thành việc thẩm định hồ sơ, giải quyết chế độ Chính sách cho các đối tượng là người hoạt động trong kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học.
Ngoài việc đảm bảo các chế độ chính sách cho nạn nhân chất độc da cam theo quy định của nhà nước, tỉnh Đắk Lắk đã tích cực xây dựng Quỹ nạn nhân chất độc da cam, vận động các nhà hảo tâm thường xuyên ủng hộ tiền, vật chất để giúp các gia đình vơi đi nỗi đau.
Ông Ngô Song Hào, chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đắk Lắk cho biết: Thông qua Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp, trong những năm qua, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp – doanh nhân, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã đóng góp, ủng hộ nạn nhân da cam trên 10 tỷ đồng. Từ số tiền này, Hội đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở và hỗ trợ phát triển kinh tế cho hàng nghìn lượt gia đình nạn nhân da cam.
Bên cạnh đó, Hội Chữ thập đỏ các cấp cũng đã tích cực vận động kinh phí để triển khai nhiều hoạt động nhằm giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam như: thăm hỏi, tặng xe lăn, xe lắc, trao học bổng, tổ chức khám chữa bệnh, phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng… Qua đó đã góp phần xoa dịu nỗi đau da cam.
Điều mà các cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam có con, cháu bị dị tật, dị tật nặng mất khả năng lao động phải nhờ người thân chăm sóc đang rất trăn trở là: Hiện tại người chăm sóc các nạn nhân không được hưởng chế độ của Nhà nước nên đang gặp nhiều khó khăn. Đa số đều mong muốn được Nhà nước quan tâm hơn đến việc này, để nỗi đau da cam được xoa dịu...