Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nói không với đề nghị miễn thuế bảo vệ môi trường: Cộng đồng trách nhiệm

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Tài chính vừa nói không với đề nghị miễn thuế miễn giảm 100% thuế bảo vệ môi trường cho các hãng hàng không trong năm 2022.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đây không phải là lần đầu tiên các hãng hàng không đề xuất và được hưởng những chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và hỗ trợ lãi suất để phục hồi kinh doanh. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, năm 2020, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 2 Nghị quyết quy định giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay (từ 3.000 đồng/lít xuống còn 2.100 đồng/lít). Tổng thời gian giảm thuế BVMT là 17 tháng (từ 1/8/2020 đến hết ngày 31/12/2021).

Gần đây, để tiếp tục hỗ trợ cho ngành hàng không phục hồi và phát triển, Bộ Tài chính tiếp tục báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 kéo dài chính sách giảm mức thuế BVMT đối với nhiên liệu liệu bay thêm một thời gian và mức giảm cũng cao hơn nhằm góp phần hỗ trợ hơn nữa đối với ngành hàng không. Cụ thể, tăng mức giảm thuế BVMT đối với nhiên liệu bay từ 30% lên 50% và thời gian giảm được thực hiện cho đến hết năm 2022.

Thực tế, việc giảm thuế BVMT đối với nhiên liệu bay đã đem lại hiệu ứng tích cực nhất định cho ngành hàng không nói chung và DN vận tải hàng không nói riêng, giúp giảm chi phí nhiên liệu đầu vào, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây cũng không phải là chính sách hỗ trợ duy nhất mà ngành hàng không được hưởng.

Hiện, các hãng hàng không đang được hưởng lợi từ những chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí chung như nhiều ngành khác, gồm chính sách giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (từ 10% xuống 8% trong năm 2022); chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, gia hạn tiền thuê đất hay chính sách miễn giảm một số khoản phí, lệ phí.

Trước đó, các hãng hàng không cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có cơ chế cho vay tái cấp vốn lãi suất 0% với 4.000 tỷ đồng và 25.000 tỷ đồng được ngân sách cấp bù lãi suất 4%. Thực tế, không thể phủ nhận những khó khăn mà dịch Covid-19 tác động tới các ngành dịch vụ trong đó có du lịch, hàng không. Nhiều DN kiệt quệ, thậm chí phá sản. Tuy nhiên, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, DN cũng cần tự vận động, xốc lại quản trị, tiết giảm chi phí để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, thay vì kêu ca, đề xuất quá nhiều ưu đãi.

Trong bối cảnh cân đối ngân sách Nhà nước còn khó khăn nhưng vẫn phải đảm bảo nhiều nhiệm vụ chi quan trọng, chiến lược như chi cho công tác đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, công tác phòng, chống dịch thì các DN cũng cần có sự chia sẻ nhất định với Nhà nước. Mặt khác, hiện rất nhiều DN sản xuất, kinh doanh cũng gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ tìm được cách vượt khó, họ còn cộng đồng trách nhiệm, đóng góp tích cực cho các chương trình an sinh, xã hội trong hơn 2 năm Covid-19 khó khăn.

Bởi vậy, câu chuyện “xốc lại chính mình” cũng rất cần thiết để DN tìm được lối ra trong bối cảnh bình thường mới và tạo sự cạnh tranh công bằng trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường.