Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗi lo đổ trộm phế thải xây dựng

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với sự nỗ lực của UBND TP Hà Nội và các sở, ban, ngành có liên quan, những năm qua, công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt từng bước đi vào nền nếp, góp phần bảo đảm mỹ quan đô thị.

Thế nhưng, hiện nay công tác quản lý rác thải cồng kềnh, rác thải xây dựng dường như bị thả nổi.

Nhiều hệ lụy

Trước tốc độ đô thị hóa, cách đây nhiều năm, Hà Nội đã quy hoạch 26 bãi xử lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn. Thế nhưng, đến thời điểm này, toàn TP mới chỉ có 3 điểm đang hoạt động gồm: bãi chôn lấp Nguyên Khê (ở xã Nguyên Khê và Xuân Nộn, huyện Đông Anh) và hai điểm trung chuyển tạm thời, tái chế bằng công nghệ nghiền tại quận Hoàng Mai. Vì nhiều lý do khác nhau nên đến nay, các bãi tập kết này vẫn chưa thể hoạt động hết công suất, thậm chí phải hoạt động cầm chừng, chờ thời… vì lo càng làm càng lỗ.

Rác thải cồng kềnh tập kết sai quy định trên vỉa hè phố Nguyễn Lân, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Vân Nhi
Rác thải cồng kềnh tập kết sai quy định trên vỉa hè phố Nguyễn Lân, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Vân Nhi

Khi các công trình xây dựng tổ chức khởi công, thi công liên tục thì lượng rác thải phát sinh ngày một tăng lên. Thế nhưng, phần lớn lượng phế thải xây dựng phát sinh hiện nay mới chỉ được sử dụng làm vật liệu san lấp, hoặc bị đổ trộm ra các tuyến đường, khu vực vắng người… chứ không được xử lý theo quy định: nghiền, tái chế.

Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại một số tuyến đường như Bưởi (hướng Hoàng Quốc Việt đi Cầu Giấy); đường Láng; Nguyễn Lân; tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long…, tình trạng rác thải xây dựng, rác thải cồng kềnh bị đổ trộm, tập kết sai quy định gây cản trở giao thông, mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị vẫn diễn ra khá phổ biến, gây bức xúc trong dư luận.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Hoàn, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân chia sẻ, mấy ngày nay, tại khu vực vỉa hè phố Nguyễn Lân, đoạn giáp với hồ Rùa bỗng nhiên bị biến thành nơi tập kết rác thải xây dựng. Tại đây, phế thải xây dựng “nuốt” toàn bộ vỉa hè, thậm chí tràn cả xuống lòng đường và tuyến đường dạo ven hồ… ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của người dân.

“Phố Nguyễn Lân lòng đường, vỉa hè tương đối nhỏ hẹp, vào giờ cao điểm tuyến đường thường xuyên diễn ra tình trạng ùn ứ giao thông. Do đó, sự tồn tại của “núi” phế thải xây dựng trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của các phương tiện, chỉ sơ sẩy một chút tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào” – ông Nguyễn Đình Hoàn chia sẻ.

Bao giờ hết cảnh cắt ngọn?

Liên quan đến tình trạng rác thải xây dựng bị tập kết từ ngày này sang ngày khác gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị…, đại diện một số đơn vị duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn TP cho hay, các loại rác thải như: rác thải xây dựng, rác thải cồng kềnh không nằm trong bài thầu duy trì vệ sinh môi trường mà các quận, huyện ký với các đơn vị thu gom.

Do đó, chỉ khi nào lượng rác thải đã quá nhiều, chính quyền địa phương có yêu cầu, đơn vị thu gom mới miễn cưỡng phải dọn dẹp. “Do không nằm trong bài thầu, nên dù có dọn dẹp đơn vị cũng chẳng biết đến bao giờ sẽ nhận được tiền công cho việc này” - đại diện một đơn vị duy trì vệ sinh môi trường cho hay.

Trong khi đó, với vai trò là một trong những đơn vị thí điểm thực hiện xử lý chất thải xây dựng trên địa bàn TP, Phó Giám đốc Công ty CP Xử lý chất thải xây dựng và Đầu tư phát triển môi trường Hà Nội Phạm Minh Công cho biết, do chưa có đơn giá xử lý chất thải rắn xây dựng nên đơn vị đang áp mức phí hơn 20.000 đồng/m3 – tương đương với phương pháp chôn lấp, trong khi đó, đơn giá chính thức của phương pháp nghiền phải hơn 100.000 đồng/m3. Sự chênh lệch giữa giá tạm tính và giá thực tế khiến DN càng làm càng lỗ, phải hoạt động cầm chừng.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng cho hay, xã hội ngày càng phát triển thì vấn đề bảo vệ môi trường càng trở lên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong những năm qua, Hà Nội đã có những bước tiến trong việc bảo đảm môi trường sống của người dân. Song đến thời điểm này, cơ quan chức năng vẫn chưa thật sự quyết liệt trong công tác thu gom, xử lý rác thải xây dựng, rác thải cồng kềnh… khiến đây luôn là một vấn đề nóng gây bức xúc trong dư luận.

Từ thực tế trên, PSG.TS Bùi Thị An cho rằng, Hà Nội nên sớm đưa rác thải xây dựng, cồng kềnh vào phần của bài thầu thu gom, duy trì vệ sinh môi trường. Đồng thời, các lực lượng chức năng cần tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp đổ trộm, tập kết rác thải sai quy định để tạo sức răn đe, ngăn chặn các trường hợp tái vi phạm.

 

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra rằng, mỗi năm Việt Nam thiệt hại tới 5% GDP, tương đương với 10 tỷ USD vì môi trường ô nhiễm, chủ yếu do chất thải ngày một nhiều hơn nhưng không được thu gom, xử lý tốt, trong đó 25 - 30% là rác thải xây dựng. Với tốc độ kinh tế phát triển và đô thị hóa hiện nay, lượng rác thải ở các đô thị tăng gần 9% mỗi năm và đến năm 2030 tổng lượng chất thải cả nước ước đến 54 triệu tấn.