Nỗi lo không của riêng ai

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thềm cuộc họp thượng đỉnh bất thường giữa các quốc gia khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), vốn được coi là quyết định số phận Hy Lạp, đại diện Nhà trắng liên tục lên tiếng kêu gọi châu Âu nỗ lực nối lại cây cầu đàm phán vốn đã bị kết quả cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ngày 5/7 đốt cháy.

Thị trường chứng khoán toàn cầu cũng “đỏ lửa” trong suốt 24 giờ qua trước câu trả lời “không” của người dân Hy Lạp với những yêu cầu thắt lưng buộc bụng của các chủ nợ để đổi lấy gói cứu trợ mới, cho thấy sức nặng của sự kiện này. Nhiều câu hỏi đặt ra tại sao một quốc gia chiếm chưa tới 2% GDP của Eurozone lại có thể khiến châu Âu và cả toàn cầu rúng động.

Với tổng nợ công chiếm 180% GDP, Hy Lạp không phải mắt xích duy nhất trong Eurozone lâm vào cảnh nợ nần: Italia, Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha rất có thể sẽ là kịch bản tiếp theo. Việc các nhà lãnh đạo châu Âu tỏ thái độ cứng rắn trước những yêu cầu cứu trợ mới của Hy Lạp là một cách “giết gà dọa khỉ” để các quốc gia thành viên khác lấy đó làm tấm gương, kiên quyết hơn với các chính sách chi tiêu và dè sẻn hơn với số vốn cứu trợ từ khối. Chính quyền Mỹ, xa hơn, đã mường tượng được bên cạnh những nguy cơ kinh tế là những bất ổn tiềm tàng trên chính trường. Là một thành viên của NATO, Hy Lạp đã khiến các nhà hoạch định chính sách Washington bất an với một thỏa thuận khí đốt chưa có hồi kết và những chuyến công du đến Nga giữa tâm bão khủng hoảng nợ công. Khả năng Nga can thiệp quá trình tái thiết một Hy Lạp với đồng nội tệ drachma là rất cao. Trở lại với Eurozone, vấn đề Hy Lạp có lẽ không phải chỉ là câu hỏi đi hay ở mà còn quyết định uy tín của khối đồng tiền chung lâu đời nhất thế giới rằng họ sẽ làm gì với số nợ công châu Âu khổng lồ mà Hy Lạp chỉ là một mắt xích nổi bật.