Nỗi lo không nhỏ

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lạm phát đang là vấn đề hết sức nóng và cần tập trung chống lạm phát để đảm bảo phát triển và an sinh xã hội.

Đó là vấn đề được các đại biểu đặt ra trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn với người đứng đầu ngành tài chính, ngân hàng. Bởi trước thực tế giá cả hàng hóa tăng chóng mặt, đòi hỏi các giải pháp hữu hiệu để kiểm soát tình hình, tạo ra sự ổn định là vấn đề không hề nhỏ trong thời điểm hiện nay.

Sau hai năm chống chịu với dịch bệnh, những nỗ lực phát triển kinh tế gắn với DN sẽ giúp đời sống của người lao động được cải thiện hơn và có những bước phục hồi bền vững hơn. Những tháng đầu năm 2022, Việt Nam vẫn kiểm soát được lạm phát với 2,25% và thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới.

Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43 năm 2022 về chính sách tài khóa cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 để triển khai thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế được ban hành và triển khai giảm bớt áp lực tăng giá hàng hóa

. Tuy nhiên, hiện thực trạng giá cả các mặt hàng đều tăng chóng mặt, gánh nặng cơm áo gạo tiền càng đè nặng lên vai người dân. Chưa kể đến giá nguyên vật liệu nước ngoài tăng đương nhiên kéo theo giá nguyên vật liệu trong nước cũng sẽ đi lên, kéo theo lạm phát, như xăng dầu, thép, phân bón...

Trong phiên chất vấn, nhiều giải pháp để kiềm chế lạm phát đã được đưa ra, từ giải pháp về tiền tệ, đến thực hiện chính sách tài khóa vừa giảm thuế, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, tiết kiệm chi đầu tư, chi thường xuyên; quản lý chặt giá cả; thực hiện đúng Luật Giá

. Bên cạnh đó, thúc đẩy DN, hộ kinh doanh phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế, đột phá vào cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số. Bởi cốt lõi của nền kinh tế không chỉ ở chính sách tài khóa, tiền tệ mà cơ bản các chính sách này phải hướng đến DN, người dân.

Người dân, DN làm ăn hiệu quả, có thu nhập, GDP tăng, thu nhập tăng, giải quyết được việc làm, có cuộc sống tốt thì sẽ giữ vững được chính sách về tài khóa, tiền tệ và cả thị trường chứng khoán.

Cùng với đó, mọi thủ tục hành chính, chuyển đổi số, tiến bộ khoa học công nghiệp phải dồn cho người dân, DN để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả "là giải pháp căn cốt nhất để chống lạm phát tốt nhất".

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng sẽ đánh giá tác động để tham mưu Chính phủ, trình Thường vụ Quốc hội, Quốc hội giảm thêm thuế xăng dầu. Đây là vấn đề quan trọng không kém bởi kiểm soát được đà tăng giá xăng dầu thì mới kiểm soát được lạm phát cũng như chỉ số CPI, vì đây là mặt hàng nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế.

Các đại biểu cũng thể hiện sự đồng tình và mong, từ nay đến cuối năm, chính sách tiền tệ phải thực hiện theo sát diễn biến kinh tế vĩ mô và các gói giải ngân để đưa ra giải pháp thực tiễn. Đặc biệt là các nỗ lực điều phối chính sách của các bộ, ngành trong khuôn khổ của Chính phủ trong tổng thể nỗ lực ứng phó với lạm phát. Hơn hết, các dịch vụ công khác, ví dụ học phí, sách giáo khoa; hoặc viện phí và các phí dịch vụ cơ bản khác cũng phải tránh được đà tăng…

Trước thực tế ấy, đại biểu cũng như cử tri đều kỳ vọng, sau phiên chất vấn, những vấn đề mang tính nút thắt sẽ được giải quyết dựa trên những giải pháp cụ thể mà các "Tư lệnh" ngành đã đưa ra. Tầm nhìn và giải pháp cho chính sách tài khóa và tiền tệ không chỉ giới hạn trong năm nay mà cần căn cơ cho nhiều năm sắp tới. Xây dựng được các kịch bản, phương án ứng phó đối với từng mặt hàng để điều hành sản xuất, tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối, cân đối và điều hành cung cầu, bình ổn giá.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần