Nỗi lo mai một
Kinhtedothi - Hàng trăm năm qua, làng Thạch Xá, huyện Thạch Thất nằm dưới chân đồi Câu Lâu, được nhiều người biết đến bởi có nghề làm chuồn chuồn tre và có những thời điểm, người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề này.
Trẻ em Thạch Xá được tiếp xúc với nghề làm chuồn chuồn tre từ khi còn rất nhỏ. Ảnh: Lâm Nguyễn
|
Một thời “bay xa”
Theo lời kể của anh Nguyễn Văn Đính (sinh năm 1976), ở xóm chùa Tây Phương (xã Thạch Xá), khoảng 10 - 15 năm trước, số hộ làm chuồn chuồn tre trong làng Thạch Xá (tên gọi xưa của xã Thạch Xá) rất đông. Có thời điểm, cả làng có tới 80 – 90% số gia đình làm nghề. Tuy nhiên, hiện nay, số hộ làm chuồn chuồn tre đã giảm đáng kể, chỉ còn tập trung chủ yếu ở xóm chùa Tây Phương, thuộc thôn 8.
Để làm được một con chuồn chuồn tre phải trải qua nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo, từ khâu chọn nguyên liệu tre nứa, lao tinh (chuốt vỏ xanh bên ngoài thanh tre, nứa), phơi khô đến cắt gọt, pha chế thành hình khối. Trong đó, khó nhất là công đoạn điều chỉnh chiều dài giữa thân và cánh để chuồn chuồn tre có thể đứng vững được trên một điểm. Đây cũng là nét độc đáo có một không hai của thương hiệu chuồn chuồn tre Thạch Xá. Ngoài khâu chuốt (làm mịn) cho các bộ phận riêng lẻ, những công đoạn còn lại vẫn được thực hiện hoàn toàn thủ công.
Anh Đính cho biết, chuồn chuồn tre làm ra được tiêu thụ khá tốt nhưng chủ yếu do có mối bạn hàng quen biết từ trước. Sản phẩm được xuất cho tiểu thương tại nhiều chợ đầu mối lớn từ Bắc chí Nam như: Chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Đông Ba (Thừa Thiên - Huế), chợ Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh)… Một số hộ sản xuất với quy mô khá và “có tiếng”, mỗi tháng xuất xưởng khoảng 15.000 con chuồn chuồn tre. Có thời điểm, sản phẩm của làng còn vươn xa tới nhiều quốc gia khác như: Anh, Pháp, Nhật Bản, Malaysia...
Chưa sống được bằng nghề
Theo nhiều người làm nghề ở Thạch Xá, dù tiêu thụ khá tốt nhưng chuồn chuồn tre không thể sản xuất ồ ạt. Nguyên nhân là bởi nhu cầu của thị trường có hạn và chuồn chuồn tre dù sao cũng chỉ là sản phẩm đồ chơi. Vì vậy, người làng Thạch Xá giờ đây cũng không còn mặn mà với nghề do thu nhập ngày càng hạn chế. Ông Đỗ Xuân Liên (sinh năm 1965), một trong số ít hộ còn làm chuồn chuồn tre quy mô khá ở Thạch Xá cho biết, giá chuồn chuồn tre không cao. Bán buôn chỉ khoảng từ 2.000 – 4.000 đồng/sản phẩm (tùy theo kích cỡ từ 7 – 20cm). Ngoài ra, nếu đi làm công, một ngày thu nhập cũng chỉ được khoảng 100.000 đồng/người, trong khi nếu chỉ đánh giấy ráp thuê cho các xưởng mộc cũng được trả trên 200.000 đồng/ngày. Đó là lý do nhiều chủ sản xuất như gia đình ông Liên, anh Đính phải thuê cả con, cháu trong nhà tới phụ giúp việc trong những dịp cao điểm xuất hàng cho khách.
Ông Nguyễn Xuân Khai - Trưởng thôn 8 cho biết, người trong làng nay chỉ làm chuồn chuồn tre như một cách kiếm thu nhập những khi nông nhàn. Họ nhận giao khoán sản phẩm thô từ các chủ cơ sở sản xuất, rồi về thực hiện một trong những công đoạn để tạo nên sản phẩm như: sơn, vẽ, lắp ráp (thân – cánh), hong khô, đóng gói, vận chuyển… Tiền công được tính theo từng sản phẩm. Thu nhập hạn chế, lại không phải lúc nào cũng có việc là lý do khiến nhiều người dân trong làng chưa thể sống được bằng nghề, chưa nói tới việc gắn bó với nghề.
Được biết, người làm chuồn chuồn tre ở Thạch Xá nhiều năm qua vẫn hoạt động theo kiểu “tự sản tự tiêu” mà chưa có bất cứ sự hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật, hay bao tiêu sản phẩm nào của các tổ chức, DN. Vì vậy, để chuồn chuồn tre nơi đây có thể “bay xa”, trên hết là không bị mai một trước nhịp sống hối hả hiện nay, các cơ quan chức năng của TP, địa phương cần sớm có những nghiên cứu, hỗ trợ cụ thể cho công tác bảo tồn, phát triển bền vững làng nghề độc đáo này.