70 năm giải phóng Thủ đô

Nỗi lo mất an toàn công trình cầu giao thông mùa bão lũ

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, kiểm tra và đánh giá toàn bộ các công trình cầu trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý.

Cầu huyết mạch đang rệu rã

Cầu Trà Khúc 1 (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) được xây dựng từ năm 1964 với kết cấu dầm thép liên hợp, dài 643m, bề rộng mặt cầu 7,5m; vỉa hè khoảng 0,5m. Đây cũng là cầu đường bộ đầu tiên bắc qua sông Trà Khúc.

Cầu Trà Khúc 1.
Cầu Trà Khúc 1.

Cùng với cầu Thạch Bích và cầu Trà Khúc 2, cầu Trà Khúc 1 đang đóng vai trò huyết mạch, kết nối toàn bộ khu vực phía bắc tỉnh với trung tâm TP Quảng Ngãi. Lần gần nhất cầu Trà Khúc 1 được gia cố, sửa chữa là vào năm 2011. 

Thế nhưng, sau 60 năm sử dụng, cầu Trà Khúc 1 đang ở trong tình trạng như chiếc răng "lung lay sắp rụng" khiến nhiều người không khỏi bất an, nhất là sau sự cố sập cầu Phong Châu (Phú Thọ) mới đây.

Trụ cầu bị bong tróc.
Trụ cầu bị bong tróc.

Đặc biệt, theo quan sát, hiện các trụ cầu Trà Khúc 1 ở vị trí nước chảy xiết  đều bị bong tróc nặng, lớp bê tông bị xói lở, trơ cả phần lõi bên trong.

"Nhìn bằng mắt thường cũng thấy cầu xuống cấp nặng, tôi hàng ngày lưu thông qua đây đều rất lo lắng, nhất là mùa bão lũ đã bắt đầu"- ông Trương Hữu Đại (xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi) bày tỏ.

Bê tông phần trụ cầu bị "bóc" gần hết, còn trơ phần lõi.
Bê tông phần trụ cầu bị "bóc" gần hết, còn trơ phần lõi.

Trước tình trạng cầu Trà Khúc 1 xuống cấp, phương án làm cầu mới thay thế đã được chính quyền Quảng Ngãi tính đến, dự án cũng đã được HĐND tỉnh thông qua.

Thế nhưng, do nguồn vốn gặp khó khăn nên dự án có mức đầu tư gần 2.200 tỷ đồng này thay vì dự kiến khởi công trong quý 3/2024 đã bị đề xuất dời sang giai đoạn 2026-2030. 

Rà soát lại tất cả công trình cầu giao thông

Liên quan đến vấn đề an toàn công trình cầu giao thông, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang vừa ký Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn công trình cầu giao thông trong mùa mưa, bão năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, bão số 3 và mưa lũ sau bão vừa qua đã gây thiệt hại rất lớn về người, tài sản của Nhân dân và Nhà nước tại khu vực các tỉnh phía Bắc. Vụ việc sập cầu Phong Châu, sạt lở trên các tuyến giao thông và lũ quét đã làm nhiều người chết, mất tích.

Trong khi đó, theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, diễn biến thiên tai trong thời gian tới rất phức tạp, nguy cơ bão, mưa, lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh là rất lớn.

Để chủ động các biện pháp sẵn sàng ứng phó thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá toàn bộ các công trình cầu trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý. Đặc biệt là công trình cầu vượt sông, cầu tạm để kịp thời phát hiện, có giải pháp xử lý ngay đối với các công trình có nguy cơ mất an toàn. 

Căn cứ tình hình thực tế hiện trạng công trình, tình hình mưa, lũ, quyết định việc tạm dừng hoạt động khai thác tạm thời đối với các công trình cầu không đảm bảo hoặc có nguy cơ mất an toàn giao thông. Đồng thời, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh và các lực lượng chức năng phân luồng đảm bảo giao thông, hướng dẫn người dân đi lại được thuận lợi, an toàn.

Tổng hợp danh sách các công trình cầu yếu, cầu tạm cần cải tạo, sửa chữa, thay mới (sắp xếp theo thứ tự ưu tiên mức độ quan trọng) kèm theo nhu cầu kinh phí, gửi các Sở: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí để khắc phục.

Chịu trách nhiệm toàn diện về việc đảm bảo an toàn khai thác đối với các công trình cầu do địa phương quản lý theo phân cấp; chủ động phối hợp với Sở Giao thông vận tải để được hướng dẫn, xử lý các vấn đề liên quan về kỹ thuật chuyên ngành cũng như phương án kỹ thuật xử lý sự cố phát sinh (nếu có).

Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai các nội dung nói trên, đồng thời tổng hợp, theo dõi, đôn đốc các địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện.

Tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các công trình cầu do tỉnh quản lý (đặc biệt là các công trình cầu lớn vượt sông, các công trình cầu đã đưa vào khai thác, sử dụng nhiều năm). Trong đó, cần quan tâm đến việc kiểm tra, đánh giá các tác động ảnh hưởng đến kết cấu công trình phần dưới (móng, trụ cầu) bị ảnh hưởng bởi dòng chảy, biến đổi địa chất sau nhiều năm khai thác, vận hành để đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp theo mức độ ảnh hưởng và yêu cầu kỹ thuật.

Quyết định dừng hoạt động hoặc hạn chế phương tiện qua lại đối với các công trình cầu thuộc thẩm quyền quản lý. Chủ trì lên phương án phân luồng đảm bảo an toàn giao thông qua các công trình cầu.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tải trọng phương tiện đối với các cầu đang hạn chế tải trọng. Phối hợp đảm bảo an toàn các công trình cầu vượt sông do Bộ Giao thông vận tải quản lý trên địa bàn tỉnh.

Tổng hợp danh mục, số liệu các công trình cần cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới, đề xuất UBND tỉnh lộ trình thực hiện theo từng giai đoạn. Trong đó, đề xuất bổ sung ngay danh mục các cầu cần cải tạo, sửa chữa sử dụng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế để khắc phục sửa chữa các hư hỏng nhằm đảm bảo duy trì khả năng khai thác.

Trên cơ sở đề xuất của Sở Giao thông vận tải và UBND các huyện, thị xã, thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí sự nghiệp kinh tế để xử lý đảm bảo an toàn giao thông các công trình cầu hiện hữu cần thiết phải sửa chữa, xử lý ngay; bố trí kinh phí chuẩn bị đầu tư để đầu tư mới, cải tạo, sửa chữa lớn các công trình cầu yếu, cầu tạm trong giai đoạn 2024 - 2025.