Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗi lo thiếu vật liệu tại các dự án cao tốc ngày càng lớn

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng thiếu vật liệu tại các dự án cao tốc có thể sẽ còn nghiêm trọng hơn trong thời gian tới. Bởi cơ quan chuyên môn dự báo nhu vầu vật liệu xây dựng sẽ tăng đột biến trong 6 tháng cuối năm 2023.

Cát sông là vật liệu có nguy cơ tăng giá và khan hiếm lớn nhân trong 6 tháng cuối năm 2023.
Cát sông là vật liệu có nguy cơ tăng giá và khan hiếm lớn nhân trong 6 tháng cuối năm 2023.

Dự báo đáng lo ngại

Bài toán thiếu vật liệu tại các dự án cao tốc không phải đến tận bây giờ mới xuất hiện. Trong nhiều năm qua, ngay từ khi “siêu dự án” cao tốc Bắc – Nam triển khai giai đoạn 1 (2017 – 2020), tình trạng khan hiếm vật liệu đã trở thành vấn đề nhức nhối. Tình trạng còn tồi tệ hơn với cơn “bão giá” xảy ra sau đó mà vật liệu xây dựng là một trong những mặt hàng ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Trước tình trạng trên, Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng cùng nhiều bộ, ngành và các địa phương có dự án đường cao tốc đi qua đã cùng vào cuộc tìm cách tháo gỡ. Sau nhiều nỗ lực, “cơn sốt” về vật liệu tại cao tốc Bắc – Nam dần hạ nhiệt.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong suốt nhiều năm qua, bài toán khan hiếm vật liệu tại các dự án cao tốc chưa bao giờ thật sự được giải quyết. Nó vẫn luôn là nỗi ám ảnh thường trực và hoàn toàn có thể gây ra “cơn bão” bất cứ lúc nào. Nguy cơ đó đang ngày một lớn khi mới đây, Cục Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng đã đưa ra một dự báo không mấy vui vẻ về tình hình thị trường vật liệu trong 6 tháng cuối năm 2023.

Cụ thể, Cục Kinh tế xây dựng cho biết, cơ quan này vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính thông tin về tình hình giá cả vật liệu xây dựng trong 6 tháng đầu năm và dự báo nhu cầu về đất đắp, cát, đá sẽ tăng đột biến trong thời gian tới.Trong văn bản trên, Cục Kinh tế xây dựng đã đưa ra dự báo trong 3 tháng tới, giá cát, đá xây dựng vẫn tiếp tục tăng do từ đầu năm 2023 đến nay các dự án giao thông trọng điểm đã được khởi công đồng loạt trên cả nước.

Theo lãnh đạo Cục Kinh tế xây dựng, diễn biến thị trường vật liệu xây dựng từ đầu năm 2023 đến nay có xu hướng gia tăng về giá đối với một trong những loại vật liệu quan trọng nhất, đó là cát xây dựng. Tính toán của cơ quan này cho thấy, trung bình hàng tháng giá cát xây dựng tăng khoảng 1,52%. Trong đó, giá cát ở các tỉnh miền Nam có xu hướng tăng mạnh hơn (bình quân 3,4%/tháng) do yếu tố nguồn khai thác, nhu cầu sử dụng cao hơn miền Bắc và miền Trung.

Tính chung, giá cát xây dựng quý II tăng 2,5% so với quý I/2023. Ngoài cát thì một loại vật liệu xây dựng trọng yếu khác là đá xây dựng trong 6 tháng đầu năm cũng có xu hướng tăng nhẹ. Trong đó, giá đá xây dựng trong quý I/2023 tăng 2,7% so với dịp cuối năm 2022; trong quý II/2023, giá đá xây dựng tăng 2,7% so với quý I/2023.

Cục Kinh tế xây dựng nhận định, việc tăng giá cát, đá xây dựng trên do nhu cầu sử dụng cho các công trình giao thông đang thi công ở các khu vực trên cả nước, nhất là các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 tại miền Trung và miền Nam. Bên cạnh đó, việc khan hiếm nguồn cát tự nhiên dùng trong thi công và nhu cầu chuyển đổi sang dùng vật liệu cát công nghiệp sản xuất từ đá cũng tăng mạnh.

Theo dự báo, giá cát, đá xây dựng vẫn tiếp tục tăng trong 3 tháng tới do nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng của các dự án giao thông trọng điểm đã được khởi công đồng loạt trên cả nước.

Các dự án cao tốc cần chuẩn bị sẵn sàng để đón "cơn bão giá" vật liệu sắp tới.
Các dự án cao tốc cần chuẩn bị sẵn sàng để đón "cơn bão giá" vật liệu sắp tới.

Khó khăn được dự báo trước

Dự báo mà Cục Kinh tế xây dựng vừa đưa ra rõ ràng là một tin không mấy vui vẻ với các dự án cao tốc, nhất là các dự án mới triển khai, nhu cầu về vật liệu đắp nền sẽ vô cùng lớn.

Theo thống kê của Bộ GTVT, tại dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025, chỉ tính riêng các gói thầu từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa cần tới gần 46 triệu m3 đất đắp, 9,04 triệu m3 cát và 17,37 triệu m3 đá. Đây là khối lượng rất lớn, nếu không có sự vào cuộc của địa phương thì rất khó khơi thông được nguồn đất đắp này. Chưa cần đợi đến khi giá vật liệu xây dựng tăng theo dự báo của Bộ Xây dựng, ngay từ lúc này, tình trạng thiếu vật liệu cũng đang gây ra khó khăn rất lớn đối với dự án cao tốc Bắc – Nam.

 

Nghị quyết của Chính phủ đã cho phép cấp mỏ vật liệu trực tiếp cho nhà thầu thi công dự án cao tốc Bắc - Nam khai thác trực tiếp. Dự án đi qua địa phương nào thì địa phương đó sẽ được hưởng lợi trên nhiều phương diện. Quyền lợi phải đi đôi với trách nhiệm, các tỉnh, thành có dự án đi qua cần quyết liệt hơn nữa trong công tác phối hợp, bố trí mỏ vật liệu thi công dự án - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp

Tại nhiều gói thầu thi công cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, hay các gói thầu đoạn qua Phú Yên, Khánh Hòa, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… dù mặt bằng đã được bàn giao cho đơn vị thi công, thế nhưng, công trình vẫn im lìm.

Nhiều mũi thi công khác buộc phải làm việc cầm chừng. Thiếu đất đắp nền đang khiến nhiều gói thầu thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 có nguy cơ chậm tiến độ. Cùng với giải phóng mặt bằng thì vật liệu đất, cát đắp và đá xây dựng đang là nỗi lo lớn nhất của các đơn vị thi công tuyến cao tốc này.

Đại diện nhà thầu Công ty CP Thuận An - đơn vị thi công gói thầu 11-XL tại cao tốc Quy Nhơn – Chí Thạnh thông tin, nhà thầu đang gặp khó do thiếu đất đắp nền đường. “Vì không có đất đắp đơn vị cũng đã phải dừng thi công cho dù có mặt bằng. Không có đất đắp thì không thể triển khai được công việc gì khác, buộc phải làm cầm chừng” – đại diện nhà thầu này nói.

Tương dự, đại diện nhà thầu tại dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn cho biết, dù Chính phủ đã chỉ đạo giao nhà thầu trực tiếp khai thác mỏ vật liệu mới, nhưng đến nay, các địa phương vẫn rất lúng túng trong việc xác định rõ thẩm quyền đền bù, giải phóng mặt bằng đối với các mỏ đã được quy hoạch. Đối với các mỏ thương mại, một số chủ mỏ không xuất được hóa đơn hoặc găm hàng chờ tăng giá.

Với tình hình không mấy khả quan trên, các chuyên gia cho rằng, bài toán vật liệu sẽ sớm trở lại thành nỗi ám ảnh đối với các dự án cao tốc, nhất là cao tốc Bắc – Nam. “Đây là điều đã được dự báo từ trước. Dù trong thời gian qua nhiều vướng mắc đã được tháo gỡ nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị song với việc hàng loạt dự án cao tốc cùng triển khai trong thời gian qua, nhu cầu về vật liệu là vô cùng lớn, sự thiếu hụt và khan hiếm vật liệu sẽ là điều khó tránh” – chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.

Theo chuyên gia này, để giải quyết khó khăn về vật liệu cho các dự án cao tốc, chỉ có hai phương án, hoặc là tăng cường khai thác các mỏ vật liệu để tăng sản lượng, hạ giá thành; hai là tìm ra nguồn vật liệu thay thế, dễ tìm, dễ khai thác và giá thành rẻ hơn. Tuy nhiên, cả hai phương án trên đều có những hạn chế nhất định.

“Thời gian qua chúng ta nói nhiều đến việc dùng cát biển để làm cao tốc. Nhưng đây là vật liệu mới cần có sự nghiên cứu, thử nghiệm thật kỹ trước khi quyết định có dùng hay không. Dù vấn đề thiếu vật liệu đang rất nóng tại các dự án cao tốc song với tất cả phương án, giải pháp đưa ra đều phải được nghiên cứu, tính toán thật kỹ lưỡng, không thể vội vàng, hấp tấp được” – chuyên gia Ngô Trí Long khẳng định.

 

Theo thống kê của Cục Đầu tư xây dựng, Bộ GTVT, tính đến cuối tháng 6/2023, các địa phương đã bàn giao mặt bằng gần 608 km (đạt hơn 84%). Tuy nhiên, diện tích mặt bằng có thể thi công mới đạt hơn 523 km (đạt 72,5%). Hiện các nhà thầu đã hoàn thiện hồ sơ và trình Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh 58/87 mỏ đất, 11/25 mỏ cát; các địa phương đã cơ bản xác nhận khối lượng khai thác 18/58 mỏ đất, 2/11 mỏ cát.