Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗi lo từ biển quảng cáo

Trực Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặt tiền là nơi “phô” kiến trúc của ngôi nhà. Nhưng những căn nhà mặt phố, khi đã được cho thuê làm cửa hàng, cửa hiệu, thì cái quyền quyết định mặt tiền căn nhà ra sao đều phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của người thuê.

Và, tùy từng mặt hàng, ngành nghề kinh doanh, diện tích ngôi nhà mà người ta thiết kế biển quảng cáo. Và tâm lý chung của nhiều người đó là, tấm biển quảng cáo phải tương xứng với ngành hàng kinh doanh và số tiền đã bỏ ra.
Vậy là mạnh ai nấy làm, chẳng theo một quy cách nào, tất cả đều loạn lên theo tâm lý và sở thích của người thuê. Điển hình cho sự bành trướng của biển quảng cáo là những DN kinh doanh điện thoại di động, thiết bị máy tính, ngân hàng... Đã không ít lần các cơ quan truyền thông lên tiếng về sự bành trướng này, song mọi việc có vẻ vẫn chưa mấy thuyên giảm. Tại hầu hết các tuyến phố trong nội đô, biển quảng cáo gần như bịt kín toàn bộ mặt tiền nhiều ngôi nhà, khiến khi nhìn vào, người ta chỉ thấy đó là Samsung, Toshiba, Sony hay tên một “ông” ngân hàng nào đó…! Hiện tại, trên địa bàn TP chỉ duy nhất ở phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân), các biển quảng cáo được thiết kế, thi công theo một quy chuẩn chung. Điều này đã tạo nên nét văn minh trong trật tự đô thị. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là trên địa bàn TP, mô hình này vẫn chưa được nhân rộng vì nhiều lý do.

Quay lại chủ đề chính của câu chuyện, ngoài những vấn đề về hình thức chất liệu của biển quảng cáo cũng “đủ các thành phần”, thiết kế mỗi nhà một kiểu nhưng có chung một điểm đó là gần như không được quan tâm đến phương án phòng cháy. Hầu hết khung biển quảng cáo vì thế vô hình chung trở thành… vật cản kiên cố với những ai muốn thoát ra khi chẳng may có hỏa hoạn.

Đã nhiều cơn hỏa hoạn bắt nguồn từ chập đèn trên biển quảng cáo, nhiều cái chết thương tâm đã xảy ra. Nhưng hình như người ta chưa quan tâm sát sao để ngăn chặn hiểm họa này. Âu cũng là một nỗi lo không nhỏ!