Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nói nhiều, làm ít

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị cấp cao lần thứ 4 giữa Liên minh châu Âu (EU) và các nước châu Phi được EU coi là cơ hội mới để "phát hiện lại châu Phi".

Chủ ý đó được thể hiện rõ và nhiều lần trong các phát biểu và tuyên bố từ phía EU. Nhưng thực chất kết quả cuối cùng lại cho thấy, Hội nghị cấp cao lần này không khác gì nhiều 3 lần trước đó, bởi cả hai phía vẫn đều nói nhiều nhưng làm ít, bàn thảo 2 ngày liền mà kết quả không hơn những thỏa thuận trước đó.

Giữa hai bên không thiếu những vấn đề cấp thiết cùng quan tâm khi khủng bố và an ninh chính trị ở châu Phi tác động trực tiếp tới EU. Những chính sách của EU, đặc biệt về nhập cư và hợp tác phát triển, lại tác động trực tiếp không kém tới các nước châu Phi. EU phải coi trọng quan hệ với châu Phi hơn trước, bởi châu lục này đang mở ra những cơ hội hợp tác mới có lợi cho EU và trên thực tế EU đã chậm chân so với nhiều đối tác khác trong quan hệ hợp tác với châu Phi - nhất là Trung Quốc và Mỹ, nhưng cũng rất có thể còn cả Ấn Độ và Nhật Bản nữa. Đồng thời, EU phải giải quyết một số vấn đề phức tạp về an ninh và xã hội xuất xứ từ châu Phi hoặc không thể giải quyết nổi nếu không có sự hợp tác của châu Phi. Châu Phi cũng cần EU, bởi chưa đủ khả năng thực tế để giải quyết những vấn đề cấp thiết và thời sự cản trở quá trình nhất thể hoá châu lục và sự phát triển kinh tế -xã hội nói chung trên châu lục như xung đột vũ trang và nội chiến, khủng bố và cướp biển, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và tạo công ăn việc làm cho giới trẻ... Sự hợp tác giữa hai bên cho tới nay chưa thiết thực, bởi EU tuy nêu khẩu hiệu "quan hệ đối tác ngang bằng" với châu Phi và coi châu Phi là "cơ hội cho tương lai", nhưng trên thực tế vẫn áp đặt điều kiện chính trị, vẫn vụ lợi riêng. Các Hội nghị cấp cao trước đều như thế và lẫn này cũng không có nhiều thay đổi.