Trưa 30, thắp vội nén hương cho chồng, bịn rịn chia tay con nhỏ, chị Hà Thị Thủy, tiếp viên tàu Thống Nhất 5 xuất phát ga Hà Nội lúc 15 giờ 30 ngày cuối cùng của năm Nhâm Dần, bước vội ra khỏi nhà. Chị Thủy và rất nhiều nhân viên trên các đoàn tàu Thống Nhất đều nén cảm xúc trong lòng để người thân khỏi lo lắng.
Tàu Tết năm nay
Đây là năm thứ 3 liên tiếp, Thủy đón Tết dọc đường nhưng chị vẫn không thể nào quen được sự trống vắng mà mình phải đối diện. Không có ai muốn xa gia đình, người thân vào đúng thời khắc giao mùa giữa năm cũ và năm mới nhưng vì nhiệm vụ Tết Quý Mão năm nay có 8 tổ tàu với 136 nhân viên Trạm Tiếp viên Đường sắt Hà Nội sẽ đón Giao thừa dọc đường.
Hai năm dịch Covid-19, phải bãi bỏ tàu, để mưu sinh, rất nhiều nhân viên đã bỏ nghề nên quân số đi tàu Tết thiếu. Công ty đã phải rút cả người ở ga bổ sung cho các tổ tàu nhưng cũng chỉ lập được 24 tổ tàu đảm nhiệm 20 ram xe (nếu đủ cần 30 tổ tàu) thiếu hơn 100 nhân viên. Chính vì vậy, đi tàu Tết hành khách đông, khối lượng công việc tăng gấp hai, ba lần (mỗi người phải bao 2-3 toa xe) nhưng khi về ga cuối lại phải quay nhanh hơn ngày thường, chỉ được nghỉ ngơi khoảng 4-5 giờ là phải lên ban tiếp theo. Trong 1 tháng đi phục vụ chiến dịch vận tải Tết, các tổ tàu phải hoàn thành 5 vòng quay Hà Nội- Sài Gòn như thế. Năm nay, vé máy bay đắt nên mọi người đổ xô đi tàu, chuyến nào cũng chật cứng người và người.
6.000 người tham gia chiến dịch vận tải Tết.
Đêm giao thừa năm nay có 764 tập thể lên ban, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão có khoảng 6.000 người lao động đường sắt tham gia chiến dịch vận tải.
Trạm Tiếp viên Đường sắt Hà Nội có tới 3 cặp vợ chồng Đinh Như Lưu và Trần Vân An; Trần Trung Nghĩa và Đoàn Thảo; Nguyễn Quang Trung và Nguyễn Thu Hường cũng phải gửi con cho ông bà tham gia chiến dịch phục vụ Tết. Trưởng tàu khách TN5 Cao Hùng Nam vừa mới cưới vợ tháng 12/2022 cũng phải xách va ly lên đường. Theo phiên vụ tổ của Nam xuất phát ga Hà Nội chiều 30 và đến sáng mùng 2 Tết mới về đến ga Hà Nội, để người vợ trẻ mòn mỏi đợi chờ chồng ngày Xuân.
Đứng trước tình hình căng về nhân lực như thế, lãnh đạo công ty và đoàn Tiếp viên đường sắt đã trực tiếp gặp gỡ các anh, chị em đi phục vụ Tết tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người lao động, tháo gỡ các phát sinh vướng mắc. Ngay từ tháng 12 đơn vị đã sớm giải quyết chế độ tiền lương đầy đủ để người lao động có tiền sắm Tết. Các cấp Công đoàn thường xuyên thăm hỏi động viên người lao động bằng vật chất, tinh thần để người lao động yên tâm công tác.
Chủ tịch Công đoàn của đoàn Tiếp viên đường sắt Hà Nội Phan Hải Cường cho biết: “8 tổ tàu đón Giao thừa dọc đường sẽ được Công đoàn tài trợ mâm cơm tất niên trị giá 3 triệu đồng. Ngoài ra, chuyên môn công ty và đoàn Tiếp viên cũng có quà lì xì cho anh em. Nhưng trước hết, chúng tôi liên tục có các cuộc gặp gỡ, trao đổi và động viên người lao động”.
Trưởng tàu Cao Hùng Nam (sinh năm 1987) chia sẻ, anh vào nghề 13 năm thì có tới 9 năm đi tàu Tết. Khi lên ban, dù biết tổ cung ứng đã chuẩn bị khá đầy đủ nhưng không ai bảo ai, mỗi người đều chuẩn bị một đồ ăn để góp vui vào bữa cơm cuối năm, người thì xôi, người thì gà, có thì món thịt kho tàu.
Gần Giao thừa, Trưởng tàu Nam sẽ đi dọc đoàn tàu để mời những người khách có mặt trên phút giao mùa về toa hàng ăn để cùng đón năm mới. Những người có mặt trên chuyến tàu cuối năm luôn tìm cách xích lại gần nhau, chia sẻ cảm xúc khi mùa Xuân tràn vào từng ô cửa sổ con tàu.
Những chuyến tàu cuối năm chủ yếu là hành khách đi đường ngắn và du khách nước ngoài muốn trải nghiệm không khí Tết tại Việt Nam. Trong phút giây giao thoa của đất trời, giữa năm mới và năm cũ, lòng người sẽ xích lại gần nhau, thân thiện và đầy cảm thông, chia sẻ. Rất nhiều hành khách sẽ góp những món quà chung vui với tổ tàu, có khi là gói xúc xích, vài lon bia, ít bò khô, đôi lúc là những món đồ nguội của châu Âu mà lần đầu tiên anh em đi tàu mới thấy.
Thường thì các tổ tàu sẽ chuẩn bị 4 mâm đủ hương vị Tết, có bánh chưng, xôi, gà, dưa hành để nhân viên đường sắt và hành khách cùng nhau đón Giao thừa, rất nhiều khách Tây cũng có mặt. Mọi người sẽ nâng ly rượu vang và hát vang bài “Happy new year” và những bản nhạc giai điệu Xuân khác. Lái tàu sẽ kéo một hồi còi dài báo hiệu năm mới đến, mọi người sẽ cùng dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Rất nhiều lần Nam và đồng nghiệp được khách nước ngoài lì xì 2 USD, biểu hiện cho sự may mắn và sự chia sẻ hài lòng với sự kiện đón Tết khá thú vị mà lần đầu tiên trong cuộc đời, họ được chứng kiến.
Nỗi niềm người trong cuộc
Chia sẻ về cảm xúc đón Giao thừa trên tàu, nữ nhân viên Hà Thị Thủy (sinh 1982) bùi ngùi, 18 năm trong nghề thì có hơn 10 năm đón năm mới dọc đường. Chồng mất sớm, chị tần tảo nuôi con 16 năm nay, có lần sắp giao thừa, cô em gái video call cho mẹ con gặp nhau. Khi người em gái hỏi cậu con trai: “Tùng có nhớ mẹ không?”, chị nhói lòng khi đứa con trai phụng phịu: “Tùng quen rồi Dì ạ, ngày Tết mẹ Thủy bỏ Tùng ở nhà để đi tàu nhiều quá rồi”.
Mẹ con Thủy sống ở Mê Linh, hết phiên vụ là chị vội vàng từ ga về với con, nhưng khi mẹ phải trực thì người thân sẽ đưa cháu ra ga để gặp mẹ. Tôi biết, khá nhiều người sẽ rơi nước mắt khi biết ngày thường mỗi phiên vụ đi tàu xa nhà, xa con như Thủy cũng được 1,3 triệu đồng (mỗi tháng 3 phiên vụ), ngày Tết có tăng lên, nhưng cũng chả đáng bao nhiêu.
Giám đốc đoàn Tiếp viên đường sắt Hà Nội Vũ Thanh Bình thừa nhận: “Nếu không có niềm tin, thậm chí là niềm tin sắt đá thì trước những vất vả, khó nhọc như thế, Thủy và nhiều đồng nghiệp khó có thể trụ được lên ban ngày thường, huống hồ chi đi tàu Tết. Để mưu sinh, trong năm vẫn có những nhân viên vi phạm bao hàng, bao khách nhưng nhặt được hàng triệu đồng tiền, tài sản của khách bỏ quên, họ vẫn chủ động tìm cách trả lại, người đường sắt là vậy. Chúng tôi biết, mình đang mắc nợ người lao động nhiều lắm, phải tìm cách để chia sẻ khó khăn với anh em”.
Trong khi trò chuyện với chúng tôi tại phòng giao ban, Trưởng tàu Nam tự tin: “Chúng em yêu nhau đã 5 năm, mới cưới vợ được 1 tháng, tuần trước vợ nhắc khéo 5 năm qua anh chỉ có đúng 1 lần đón Tết cùng em thôi đấy nhé”. Một sự hờn giận đáng yêu của người vợ trẻ nhưng Nam biết sáng mùng 2 Tết, vợ sẽ là người đầu tiên có mặt đón anh ở sân ga Hà Nội.
Điều ước cuối năm
“Tuyên bố mới đây của Tổng Giám đốc Đặng Sỹ Mạnh năm 2023 Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu là hoạt động sản xuất kinh doanh chính của công ty mẹ bắt đầu có lãi, cố gắng thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu được giao; đảm bảo đủ việc làm, từng bước nâng cao đời sống người lao động đang thắp lên tia hy vọng cho những người lao động như bọn em” - Trưởng tàu Nam quả quyết.
Đi suốt bốn mùa vui
Chia tay tôi, trước khi lên ban, chuẩn bị cho hành trình Hà Nội- Sài Gòn, chuyến tàu 30 Tết, Nam nói: “3 năm qua, ai rời tàu thì đã đi rồi và thực tế Trạm em đã có hơn 160 anh, chị em vì mưu sinh đã phải chia tay với tiếng còi tàu để tìm kế sinh nhai. Bọn em còn ở lại là xác định sẽ “sống chết” với nghề hỏa xa này và mong năm mới có thêm những sự thay đổi mới”.
Trước những khó khăn không tưởng, trong vòng gần 10 năm qua gần 20.000 lao động đã rời khỏi ngành đường sắt, trong đó có những người từng giữ cương vị Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty. Những người ở lại, đúng như Trưởng tàu Nam nói, họ đều quyết tâm “sống chết với nghề” với một niềm tin đường sắt đang hồi sinh.
Chuyến tàu chiều 30 Tết Quý Mão năm nay sẽ tạm biệt ga “năm cũ”, hướng về ga “năm mới” với biết bao kỳ vọng của người lao động đường sắt và người dân Việt Nam… Hy vọng năm mới, chúng ta sẽ được chứng kiến “con tàu Việt Nam đi suốt bốn mùa vui” bởi đường sắt đang có những người như Trưởng tàu Nam, Thủy và hàng nghìn lao động khác.