Nối thành công cổ tay bị đứt rời do tai nạn lao động

Văn Dũng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 18/9, lãnh đạo Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP Hồ Chí Minh cho biết đã nối thành công cổ tay phải bị đứt rời cho một nam bệnh nhân.

Ê-kíp phẫu thuật nối thành công bàn tay trái cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Ê-kíp phẫu thuật nối thành công bàn tay trái cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo thông tin ban đầu, vào 00 giờ sáng 14/9/2023, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP Hồ Chí Minh tiếp nhận 1 trường hợp tai nạn lao động nghiêm trọng, gây dập mất đoạn xương và lìa cổ tay phải.

Bệnh nhân nam, tên L.G.T, 22 tuổi, vào ca làm việc đêm khuya tới 23h ngày 13/9 thì bị máy dập cắt lìa cổ tay phải, bệnh nhân được các đồng nghiệp sơ cứu tại chỗ, rồi đưa thẳng tới BV Chấn thương Chỉnh hình, có mang theo phần bàn tay bị đứt lìa.

Khi tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân, các bác sĩ nhận thấy đây là tai nạn gây chấn thương rất nặng, do đó đã chia ra các nhóm để cùng lúc thực hiện hồi sức cấp cứu mất máu cho bệnh nhân, làm các xét nghiệm để mổ khẩn cấp và đưa bàn tay đứt lìa vào thẳng phòng mổ để cắt lọc, xử lý sạch và đánh dấu các cấu trúc mạch máu thần kinh trước khi bệnh nhân được đưa vào phòng mổ.

Nhận thấy đây là một trường hợp chấn thương rất phức tạp, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP Hồ Chí Minh đã huy động ê-kíp bác sĩ thuộc các chuyên khoa phẫu thuật bao gồm BS CKII Nguyễn Ngọc Thạch, BS CKI Nguyễn Thế Minh Hoàng, BS Đỗ Đình Duy đã tiến hành phẫu thuật khâu nối vi phẫu, cứu sống bàn tay của bệnh nhân.

Sự phức tạp của ca mổ nằm ở những điểm như: Đây là trường hợp đứt lìa hoàn toàn, vết thương bầm dập, phần đứt lìa bị dập đầu dưới xương quay, mạch máu thần kinh và gân bị dập lóc 1 đoạn đã bị máy nghiền nát. Do đó, ê-kíp phẫu thuật đã tiến hành cắt ngắn xương trụ để tạo hình cổ tay tương đối ổn định, sau đó ưu tiên ghép vi phẫu động mạch và tĩnh mạch để cứu bàn tay.

Hiện tại bàn tay sau 5 ngày điều trị đã sống ổn định. Dự kiến bệnh nhân còn trải qua các cuộc phẫu thuật để tạo hình, nối ghép vi phẫu thần kinh, nối ghép gân gấp và gân duỗi.

Để đạt được kết quả nối đứt lìa ca dập mất đoạn xương này, các yếu tố quan trọng là: Bệnh nhân được bảo quản phần đứt lìa đúng cách (bỏ vào bịch nylon cột dây thun lại, sau đó bỏ vào thùng nước có làm lạnh bằng 1 số viên đá), ê-kíp mổ đưa phần bàn tay đứt lìa vào phòng mổ xử lý trước để tiết kiệm thời gian trong khi bệnh nhân còn đang làm các xét nghiệm phẫu thuật ở ngoài phòng cấp cứu, phẫu thuật viên có kinh nghiệm về khâu nối vi phẫu...