KTĐT - Các ngân hàng, vốn chưa hết sốc vì tuyên bố tuần trước của Tổng thống Mỹ Obama về việc giới hạn hoạt động tư, đã cố gắng có mặt tại Davos để biện minh rằng những hoạt động đầu tư của mình đã thúc đẩy quá trình hợp tác và phục hồi của kinh tế thế giới.
Giới chủ nhà băng cho rằng hoạt động đầu tư của họ đã thúc đẩy kinh tế thế giới phục hồi trong khi các chính trị gia cho rằng đã đến lúc ngân hàng trở lại với chức năng chính của mình là cấp tín dụng cho doanh nghiệp.
Theo tờ Business Week, một nhóm CEO ngân hàng, đứng đầu là Josef Ackermann của Deutsche Bank họp kín với một số Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương trong ngày 30/1 tại Davos để thảo luận các vấn đề liên quan đến hoạt động ngân hàng trong giai đoạn hiện nay.
Phát biểu trước cuộc gặp gỡ này, ông Lawrence Summers, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế quốc gia của Tổng thống Mỹ cho rằng cho rằng: “Đây có thể là một cuộc gặp hữu ích nhưng nó chắc chắn sẽ không giúp giải quyết toàn bộ mọi vấn đề”.
Các ngân hàng, vốn chưa hết sốc vì tuyên bố tuần trước của Tổng thống Mỹ Obama về việc giới hạn hoạt động tư, đã cố gắng có mặt tại Davos để biện minh rằng những hoạt động đầu tư của mình đã thúc đẩy quá trình hợp tác và phục hồi của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, sự kháng cự này tiếp tục không nhận được ý kiến đồng tình của các chính trị gia.
Bộ trưởng Tài chính Anh Alistair Darling và Hạ Nghị sĩ Mỹ Barney Frank nhất loạt cho rằng các các ngân hàng không nên đi ngược lại quá trình tái cơ cấu: “Sẽ rất vô lý nếu các ngân hàng tìm cách đi ngược lại luật pháp. Như vậy, họ sẽ không nhận được bất kỳ một sự ủng hộ chính trị nào”, ông Barney Frank cho biết.
Riêng Bộ trưởng Tài chính Anh, người vừa đề xuất dự luật đánh thuế 50% vào tiền thưởng của giới “cá mập” ngân hàng, cho rằng đã đến lúc nhà băng nên tập trung cho chức năng chính của mình là cấp tín dụng cho nền kinh tế. “Đó mới là nơi mà họ có thể thu được lợi nhuận chính đáng”, ông Darling cho biết.
Trong khi đó, đại diện của các ngân hàng cũng tỏ ra quyết tâm không kém khi liên tục thực hiện các cuộc gặp gỡ nhằm nới lỏng nút thắt đang được giới chính trị gia tìm cách xiết chặt. Phát biểu trong cuộc gặp với CEO của Bank of America Brian Moynihan, đại diện của Deutsche Bank, ông Ackermann cho biết: “Chúng tôi sẽ thực hiện tái cơ cấu, sẽ thay đổi bảng lương. Tuy nhiên, đã đến lúc việc đổ lỗi cho các ngân hàng phải được chấm dứt”.
Về phần BofA, ông Moynihan cho biết điều mà các ngân hàng lo lắng nhất là việc có quá nhiều ràng buộc về luật pháp đối với ngân hàng sẽ cản trở những nỗ lực phục hồi cũng như gây ra những xung đột lợi ích không cần thiết trong nội bộ nền kinh tế.
“Cả ngân hàng và giới lập pháp đều quá chủ quan. Nhà băng nghĩ rằng khi cơn bão đi qua, sẽ chẳng có gì thay đổi. Họ lại có thể kinh doanh như trước. Nhưng họ đã nhầm. Về phía các chính trị gia, họ đã mất lòng tin ở ngân hàng và yêu cầu thay đổi. Nhưng quá trình này thực sự không đơn giản”, Giáo sư Kenneth Rogoff của đại học Harvard nhận đinh.