Nóng chuyện con dấu và điều kiện kinh doanh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những điểm mới của Luật DN sửa đổi quy định, các DN có quyền tự chủ quyết định về hình thức, nội dung và việc quản lý, sử dụng con dấu.

Doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở KH&ĐT Hà Nội. 	Ảnh: Phạm Hùng
Doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở KH&ĐT Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Với quy định mới này, con dấu DN không còn là điều bắt buộc, mang giá trị pháp lý như trước mà chỉ mang tính chất nhận diện DN. Việc thay đổi này được coi là một trong những giải pháp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN. Tuy nhiên, xung quanh quy định mới này vẫn có không ít ý kiến từ cộng đồng DN.

Vẫn cần con dấu

Tại hội thảo lấy ý kiến DN góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật DN sửa đổi (có hiệu lực từ 1/7/2015) và hoàn thiện pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 13/5, ông Phan Đức Hiếu - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - CIEM) cho biết: "Với những DN đang sử dụng con dấu, sau ngày 1/7, nếu không muốn đổi thì con dấu cũ vẫn được sử dụng bình thường. DN có thể tăng số lượng con dấu theo nhu cầu. Nếu muốn làm con dấu mới, trả lại dấu cũ, DN chỉ cần mang dấu cũ và giấy chứng nhận con dấu cũ trả lại cho cơ quan đã cấp".

Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Văn phòng Luật sư NH Quang và Cộng sự (Hà Nội), loại bỏ con dấu là rất tốt, nhưng con dấu như "văn hóa" của người dân Việt Nam. Hợp đồng, văn bản mà không có dấu, chỉ có chữ ký thì rất khó được tin cậy là văn bản xác thực. Ví dụ trường hợp ủy quyền thu chi tiền tỷ, không có con dấu có thể dẫn tới việc lại phải đi xác thực chữ ký xem đúng hay không hoặc đi đâu cũng phải mang theo giấy chứng nhận kinh doanh. Giải đáp vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu khẳng định: "DN vẫn phải có con dấu, nhưng cách thức, trường hợp sử dụng thế nào là tùy từng DN".

Ngoài ra, theo quy định hiện nay, trước khi sử dụng con dấu, DN phải thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, trong trường hợp có thay đổi mẫu dấu, DN không cần thông báo thay đổi trước khi sử dụng con dấu mới mà nghĩa vụ thông báo lại được thực hiện trong vòng 10 ngày sau khi có con dấu.  "Như vậy, trong khoảng thời gian 10 ngày, con dấu mới hay con dấu cũ sẽ có giá trị pháp lý?" - bà Nguyễn Bích Ngọc - Công ty Luật Allens đặt vấn đề. Do đó, bà Ngọc kiến nghị trong trường hợp thay đổi mẫu dấu, DN cần thực hiện nghĩa vụ thông báo trước khi được sử dụng con dấu mới.

Sau ngày 1/7, văn bản trái luật sẽ bị vô hiệu hóa

Theo ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM sau ngày 1/7, Luật Đầu tư và Luật DN sửa đổi có hiệu lực, toàn bộ văn bản trái luật sẽ bị vô hiệu hóa. DN sẽ được "cởi trói", kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm. Những thông tư do các bộ, ban, ngành "vẽ" ra làm khó DN sẽ bị bãi bỏ. Ông Nguyễn Đình Cung cho biết thêm: Sau khi CIEM tiến hành rà soát các điều kiện kinh doanh hiện hành có khoảng 5.585 thông tư như thế. Thực tế hiện nay, ngoài những điều kiện mới phát sinh, DN còn bị cản trở bởi không ít điều kiện "hồi sinh" sau một thời gian bị bãi bỏ. Ví dụ như trong lĩnh vực in ấn, điều kiện đặt ra với DN là phải có giấy phép hoạt động in, giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự; điều kiện nhận in, gia công sau in; điều kiện về in nhãn sản phẩm và bao bì…

Tuy nhiên, từ ngày 1/7 tới đây, bên cạnh việc loại bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp, các bộ, ngành, HĐND, UBND các tỉnh, TP cũng không được phép ban hành thêm điều kiện kinh doanh. "Luật DN và Luật Đầu tư sắp có hiệu lực sẽ không có thông tư hướng dẫn. Nếu cơ quan nào làm trái luật, đặt thêm điều kiện kinh doanh, DN nên khởi kiện" - Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.

Ủng hộ tinh thần này, song đại diện một số DN cũng băn khoăn DN đi kiện cơ quan quản lý sẽ như "con kiến kiện củ khoai" rất khó và rất ngại. Ngay cả khi hiệp hội, đại diện cho DN, đứng ra khởi kiện để đảm bảo quyền lợi của DN thì tiếng nói cũng không đủ mạnh để cơ quan quản lý lắng nghe và sửa đổi.

Valid: True