Nóng cuộc đua tăng vốn ngân hàng
Kinhtedothi- Việc tăng vốn điều lệ không chỉ là một yêu cầu mang tính bắt buộc để các ngân hàng đáp ứng quy định và đảm bảo an toàn tài chính, mà còn là chiến lược dài hạn nhằm gia tăng sức mạnh nội tại.
Bổ sung hàng nghìn tỷ đồng vốn điều lệ
Cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng thương mại “nóng” ngay từ những tháng đầu năm 2025, trong bối cảnh phải đẩy mạnh cung ứng vốn ra nền kinh tế nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 16%, và đảm bảo các chỉ tiêu an toàn hệ thống.

Thách thức lớn nhất với ngân hàng thương mại Việt Nam là bộ đệm vốn mỏng, hệ số an toàn vốn thấp so với nhiều nước. Ảnh minh hoạ
Để đáp ứng nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế và mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025, Agribank đã đề nghị Chính phủ bổ sung vốn tự có cho cho ngân hàng khoảng 15.000-17.000 tỷ đồng/năm. Trong đó, xem xét cấp bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận thực nộp hàng năm của Agribank, tối thiểu là 10.000 tỷ đồng/năm và thực hiện ngay trong năm 2025 để ngân hàng tập trung tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế.
Vietcombank đã chốt danh sách cổ đông vào ngày để thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 49,5%. Số cổ phiếu dự kiến phát hành là gần 2,8 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023. Nguồn vốn phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá đạt hơn 27.666 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất đợt phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng từ 55.891 tỷ đồng lên khoảng 83.557 tỷ đồng.
Trước đó, BIDV cũng công bố thông tin thay đổi tổng số lượng cổ phiếu lên hơn 7,02 tỷ cổ phiếu, sau đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Sau thay đổi trên, tổng vốn điều lệ của BIDV đã tăng từ 68.975 tỷ đồng lên hơn 70.213 tỷ đồng.
VietinBank cũng đề xuất các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương cho phép ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024 - 2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng. Điều này có nghĩa trong những năm tới các cổ đông của nhà băng này sẽ tiếp tục nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Ngoài Big4, mùa ĐHĐCĐ năm nay chứng kiến một "làn sóng" tăng vốn mạnh mẽ từ các ngân hàng, với nhiều phương án đa dạng như phát hành cổ phiếu thưởng, chia cổ tức bằng cổ phiếu, chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ.
Chẳng hạn, VIB đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2025 từ hơn 29.791 tỷ đồng lên hơn 34.040 tỷ đồng. Theo đó, ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ tối đa 14% vốn điều lệ và phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên với tỷ lệ tối đa 0,26% vốn điều lệ.
ACB trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%, tương đương phát hành gần 670 triệu cổ phiếu. Nếu được thông qua, vốn điều lệ của ACB sẽ tăng từ 44.666 tỷ đồng lên 51.366 tỷ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành là quý III/2025; NCB dự kiến phát hành 700 triệu cổ phiếu riêng lẻ (từ quý II đến quý IV/2025) để tăng vốn điều lệ từ 11.780 tỷ đồng lên 18.780 tỷ đồng. Số tiền thu được dự kiến là 7.000 tỷ đồng, sẽ được sử dụng để bổ sung vốn kinh doanh…
Cuộc chạy đua bắt buộc
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết tháng 11/2024, tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đạt 1.100.635 tỷ đồng, tăng 9,74% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của nhóm ngân hàng áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN đạt 12,51%, trong đó: nhóm ngân hàng thương mại nhà nước đạt 10,57%, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đạt 12,21%... 2 nhóm này đều thấp hơn nhiều so với mức 23,27% của nhóm ngân hàng nước ngoài.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, dù quá trình tăng vốn của các ngân hàng diễn ra liên tục trong những năm gần đây, song hệ số CAR của các ngân hàng Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với khu vực.
Đồng quan điểm, một chuyên gia kinh tế khác cũng cho biết, nhiều yếu tố đã thúc đẩy ngân hàng tăng vốn điều lệ trong năm qua. Đầu tiên, khi nợ xấu có xu hướng tăng, ngân hàng buộc phải trích lập dự phòng cao hơn để đảm bảo khả năng chống đỡ với rủi ro tín dụng. Thứ hai, trong bối cảnh Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ít nhất 8%, việc tăng vốn giúp ngân hàng có thêm nguồn lực để mở rộng tín dụng, đặc biệt là cho vay doanh nghiệp và đầu tư cơ sở hạ tầng. Ngoài ra còn để đáp ứng các tỷ lệ theo quy định của NHNN, như: kiểm soát tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn dưới 30% và tỷ lệ cho vay trên tiền gửi ở mức 85%...
Tại Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 21/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN nghiên cứu triển khai đối với các kiến nghị của các ngân hàng liên quan áp dụng bộ chuẩn mực Basel III.
Theo báo cáo ngành ngân hàng công bố đầu tháng 3/2025 của Công ty Chứng khoán MBS, hiện đã có hơn 20 ngân hàng niêm yết đã đáp ứng và áp dụng yêu cầu về CAR theo tiêu chuẩn Basel II, tuân thủ Thông tư 41/2016/TT-NHNN vào hoạt động của mình.
Các ngân hàng đang có xu hướng nâng cấp tiêu chuẩn quản trị rủi ro theo Basel III nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh với các tổ chức tín dụng toàn cầu. Một trong những yêu cầu quan trọng của Basel III đối với CAR Tier 1 là đạt tối thiểu 6%.
Theo khuyến nghị của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại báo cáo Điểm lại tháng 3/2025, các cấp có thẩm quyền cần khuyến khích các ngân hàng cải thiện hệ số an toàn vốn và tăng cường khung thể chế về giám sát an toàn (bao gồm để phát hiện và xử lý vấn đề phát sinh do ngân hàng liên kết với các tập đoàn doanh nghiệp) và can thiệp sớm (sớm xác định vấn đề và ngăn ngừa khủng hoảng).
Bên cạnh việc duy trì tỷ lệ an toán vốn, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu tăng vốn còn hỗ trợ các khoản cho vay dài hạn, qua đó đáp ứng các tỷ lệ theo quy định của NHNN, như: kiểm soát tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn dưới 30% và tỷ lệ cho vay trên tiền gửi ở mức 85%.
Ngoài ra, xu hướng chuyển đổi số, đơn giản hóa các thủ tục hành chính đòi hỏi ngân hàng phải có nền tảng công nghệ mạnh mẽ, điều này cũng yêu cầu nguồn vốn lớn để ngân hàng duy trì sức cạnh tranh. Trước sự cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng trong nước và sự tham gia của các tổ chức tài chính nước ngoài, vốn điều lệ lớn giúp ngân hàng nâng cao uy tín, củng cố vị thế trên thị trường, đồng thời có thêm nguồn lực để đầu tư vào công nghệ, sản phẩm và dịch vụ mới nhằm thu hút khách hàng.