Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nóng cuộc đua tăng vốn ngân hàng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc tăng vốn điều lệ được các ngân hàng quan tâm hàng đầu do đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng giúp tăng quy mô tài sản, mở rộng hoạt động tín dụng và là “bộ đệm” dự phòng cho các ngân hàng.

Bổ sung hàng chục nghìn tỷ vốn điều lệ

Cuối tháng 11 vừa qua, Quốc hội đã “chốt” chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank. Theo đó, Vietcombank sẽ được chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 49,5% để tăng vốn điều lệ thêm 27.666 tỷ đồng.

Hàng loạt ngân hàng chạy đua tăng vốn điều lệ theo phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu. Ảnh minh hoạ
Hàng loạt ngân hàng chạy đua tăng vốn điều lệ theo phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu. Ảnh minh hoạ

Trong nhóm ngân hàng quốc doanh, ngoài Vietcombank, BIDV cũng vừa công bố nghị quyết phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 21% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận 21 cổ phiếu mới). Nguồn vốn tăng thêm được trích từ lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ năm 2022. Theo kế hoạch, nhà băng này sẽ phát hành hơn 1,19 tỷ cổ phiếu mới, tương đương phần vốn tăng thêm hơn 11.970 tỷ đồng. Sau giao dịch, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng lên mức 68.975 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong tháng này hoặc quý I năm sau.

Với VietinBank, tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Chủ tịch HĐQT Trần Minh Bình cho biết, VietinBank đã nhận được ý kiến của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 (11.678 tỷ đồng) để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Tại nhóm ngân hàng tư nhân, các kế hoạch tăng vốn cũng đang được rốt ráo thực hiện. HDBank cũng vừa được NHNN chấp thuận phương án chia cổ tức 20% bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm hơn 5.825 tỷ đồng. Tại đại hội đồng cổ đông bất thường mới đây, LPBank đã được cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 16,8%.

Ngoài các ngân hàng kể trên, một loạt ngân hàng thương mại tư nhân cũng đã công bố kế hoạch tăng vốn trong thời gian tới như VietBank dự kiến tăng vốn lên 7.139 tỷ đồng; BacABank tăng vốn lên 10.538 tỷ đồng; TPBank tăng lên 26.419 tỷ đồng...

Nhiều nhà băng cùng triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay và đầu năm sau, bảng xếp hạng vốn điều lệ ngành ngân hàng dự báo cũng có nhiều thay đổi. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ đạt 83.557 tỷ đồng, vươn lên vị trí số 1 trong hệ thống ngân hàng, vượt xa 2 ngân hàng tư nhân đang dẫn đầu là VPBank (79.339 tỷ đồng) và Techcombank (70.450 tỷ đồng).

Xếp ở vị trí thứ 3 dự kiến là BIDV với vốn điều lệ hơn 70.600 tỷ đồng sau khi thực hiện thành công hai phương án phát hành tăng vốn gồm chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành riêng lẻ. Đứng vị trí thứ 4 dự kiến là Techcombank với vốn điều lệ 70.450 tỷ đồng nhờ đợt tăng vốn vào nửa đầu năm nay. VietinBank sẽ tạm đứng vị trí thứ 5 với số vốn điều lệ 53.700 tỷ đồng.

Hiện nay trong Top 10 ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất còn có: MB (52.871 tỷ đồng), Agribank (51.615 tỷ đồng), ACB (44.667 tỷ đồng), SHB (36.629 tỷ đồng) và VIB (29.791 tỷ đồng). Các ngân hàng có vốn điều lệ thấp nhất là Saigonbank (3.388 tỷ đồng), Kienlongbank (3.653 tỷ đồng) và PGBank (4.200 tỷ đồng).

“Bộ đệm” dự phòng cho các ngân hàng

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh nhận định, nhu cầu tăng vốn điều lệ của các ngân hàng phát sinh từ việc gia tăng tỷ lệ dự phòng rủi ro, mở rộng nguồn vốn trung và dài hạn, cũng như đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ, đặc biệt là cải thiện Hệ số an toàn vốn (CAR).

Việc tăng vốn điều lệ không chỉ để đáp ứng Basel III, mà còn để nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng khả năng ứng phó với rủi ro, tăng cường năng lực tài chính… Hiện nay, chỉ một số ngân hàng đáp ứng được tiêu chuẩn về an toàn vốn theo Basel III, do đó, phần lớn ngân hàng đang đối mặt với áp lực tăng vốn trong những năm tiếp theo.

Theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 9, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,55%, gần bằng mức cuối năm 2023. Hiện nợ xấu ngân hàng đang có xu hướng hướng gia tăng, kể cả việc Thông tư 02/2023/TT-NHNN của NHNN được gia hạn đến hết năm nay. Do đó, vốn điều lệ đóng vai trò quan trọng như một "bộ đệm", cung cấp nguồn lực cần thiết cho các ngân hàng để ứng phó với thử thách và biến động trong môi trường kinh tế chưa ổn định, cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn để tiếp tục hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp và cá nhân.

Trên thực tế, mặc dù ồ ạt tăng vốn, song CAR của các ngân hàng Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với khu vực. Thống kê của NHNN cho thấy, tại thời điểm cuối tháng 8/2024, hệ số CAR của các ngân hàng thương mại nhà nước là 10,72%, của ngân hàng thương mại cổ phần là 12,02%. Trong khi đó, CAR trung bình của các ngân hàng Indonesia là 23,27%, Thái Lan là 20,24%, Myanmar là 18,9%, Singapore là 17,1%, Australia là 16,6%...

Theo Dự thảo Thông tư quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (tổ chức tín dụng) của NHNN, từ năm 2030, sẽ bắt đầu lộ trình nâng dần Hệ số CAR lên 10,5% (theo quy định hiện hành, CAR tối thiểu là 8%). Trong đó, tổng vốn cấp 1 và vốn cấp 2 là 8%, vốn đệm bảo toàn vốn là 2,5%.

Theo NHNN, vốn đệm bảo toàn vốn sẽ nhằm ngăn ngừa sự suy giảm của nền kinh tế. Tỷ lệ này linh hoạt trong từng thời kỳ do NHNN quyết định với mức dao động 0-2,5%, tăng lên trong thời điểm thị trường tăng trưởng nóng và giảm xuống khi thị trường hoạt động trong điều kiện ổn định.

Theo các chuyên gia, việc các ngân hàng đồng loạt tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức không chỉ giúp củng cố năng lực tài chính, mà còn nâng cao khả năng đáp ứng các quy định an toàn vốn theo Basel II và Basel III. Động thái này cũng tạo thêm dư địa để các ngân hàng mở rộng tín dụng, đầu tư vào công nghệ và cung cấp các dịch vụ tài chính đa dạng hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.