Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nông dân Bình Phước nguy cơ mất trắng hoa màu vì hạn hán

Lâm Thiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nắng như đổ lửa suốt nhiều tháng, khiến nước nhiều khe suối, ao hồ ở Bình Phước cạn trơ đáy, nước ngầm tụt sâu. Đặc biệt hai huyện Bù Gia Mập và Bù Đăng đang bị ảnh hưởng rất nặng, không còn nước khiến nhiều loại cây là nguồn thu nhập chính của người dân đang chết khô.

Vườn cà phê tại xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng đang chết khô vì thiếu nước tưới. Ảnh: Lâm Thiện.
Vườn cà phê tại xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng đang chết khô vì thiếu nước tưới. Ảnh: Lâm Thiện.

Ghi nhận tại 3 xã Thọ Sơn, Phúc Sơn và Phú Sơn thuộc huyện Bù Đăng, tình cảnh chung là hàng nghìn héc ta tiêu, cà phê, sầu riêng, bơ… của bà con nông dân hiện có dấu hiệu chết khô vì thiếu nước.

Tại xã Thọ Sơn, với đám rẫy hơn 1 ha trồng chuyên cây sầu riêng đã 7 năm tuổi, anh Nguyễn Văn Hậu cho biết, những năm trước thời đểm này cây đang độ cho trái rất đẹp. Thế nhưng nay do thiếu nước cây bị khô bông, rụng trái, héo lá… buộc gia đình phải xoay xở gần trăm triệu đồng đầu tư thêm giếng khoan sâu hơn 100 mét cùng hệ thống điện năng lượng mặt trời để phục vụ tưới tiêu với hi vọng cứu được cây.

Ao chứa nước của một gia đình tại xã Phúc Sơn, huyện Bù Đăng đã cạn khô, nếu tình trạng này  tiếp diễn vườn sầu riêng phía sau nhà sẽ chết khát. Ảnh: Lâm Thiện.
Ao chứa nước của một gia đình tại xã Phúc Sơn, huyện Bù Đăng đã cạn khô, nếu tình trạng này  tiếp diễn vườn sầu riêng phía sau nhà sẽ chết khát. Ảnh: Lâm Thiện.

“Nếu không tìm được nước ngầm thì chỉ cần nữa tháng trời không mưa và nhiệt độ cứ 37 đến 40 độ C như này thì toàn bộ cây của tôi và nhiều vườn khác trong vùng sẽ chết khô. Nếu sống thì cây cũng rất yếu, không thể đậu quả. Mùa này xác định đã mất trắng, thiếu nước nên quả non rụng gần hết, bông mới nở khô luôn trên cành, vậy lấy đâu cho quả chín” – anh Hậu chia sẻ.

Còn tại xã Phúc Sơn, vườn cà phê hơn 2 ha của anh Võ Văn Toàn đang cho trái cũng trong cảnh tương tự. Toàn bộ cây có dấu hiệu rụng trái, héo lá, khô cháy khiến anh đứng ngồi không yên. Cũng khoan thêm giếng, gắn điện năng lượng mặt trời tìm nước tưới tiêu, dẫu vậy anh Toàn không chắc cứu được vườn cà phê cho gia đình vì giếng mới nhưng nước ngầm vẫn bị hụt, nước bơm lên rất hạn chế, không đủ tưới.

“Cà phê đang cho trái non, nhưng trái và lá cứ khô dần, vụ này xem như đã mất, giờ hi vọng cứu được cây cho những vụ sau. Nhưng nếu trời tiếp tục không mưa, còn nước ngầm tiếp tục hụt thì xem như qua năm nhổ gốc, đầu tư trồng lại cây con, chờ tiếp mấy năm mới có trái thu hoạch” – anh Toàn nói.

Khoan thêm giếng, gắn điện năng lượng mặt trời với chi phí hàng chục triệu đồng để tưới tiêu là giải pháp, nhưng với những hộ khó khăn thì không thể. Ảnh: Lâm Thiện.
Khoan thêm giếng, gắn điện năng lượng mặt trời với chi phí hàng chục triệu đồng để tưới tiêu là giải pháp, nhưng với những hộ khó khăn thì không thể. Ảnh: Lâm Thiện.

Tại xã Phú Sơn hàng trăm héc ta vườn bà con nông dân đang trồng sầu riêng, cà phê, tiêu, bơ… đang cho quả cũng trong tình cảnh thiếu nước tưới trầm trọng khiến cây có dấu hiệu khô lá, rụng trái, thân cây đang chết dần.

Chiều 17/4, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, lãnh đạo những địa phương trên bày tỏ lo ngại trước tình hình hạn hán, mỗi địa phương có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn héc ta cây trồng là nguồn thu nhập chính của bà con đang ngày bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng địa phương chưa có biệt pháp chống hạn.

Đau lòng nhìn những cây sâu riêng đang cho quả nhưng thiếu nước trái rụng khắp vườn tại xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng. Ảnh: Lâm Thiện.
Đau lòng nhìn những cây sâu riêng đang cho quả nhưng thiếu nước trái rụng khắp vườn tại xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng. Ảnh: Lâm Thiện.

Ông Vũ Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Phú Sơn cho biết, trên địa bàn có 2 hồ chứa nước, một hồ hơn 20ha, hồ còn lại hơn 10ha. Mặc dù vậy đến thời điểm này 2 hồ hầu như cạn hết. Bình thường nước tại 2 hồ cũng phục vụ cho những hộ xung quanh, không thể phục vụ khắp xã.

“Giờ bà con chỉ tận dụng một số rất ít nước còn lại ở khe suối và giếng khoan. Ở những vườn trên dốc cao thì thực sự tìm nguồn nước rất khó. Nếu thời tiết không thuận lợi tiếp tục kéo dài thì nguy cơ hàng trăm héc ta cây trồng trong xã sẽ bị chết hoặc suy yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân” – ông Thủy chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Ngọc Huyến, Chủ tịch UBND xã Thọ Sơn cho biết, địa phương không những thiếu nước tưới tiêu mà cả nguồn nước sinh hoạt giờ cũng rất hiếm.

“Thiếu nước nhiều lắm. Sáng nay xã đã đi thống kê, riêng thôn Sơn Tùng khoảng 80 hộ không có nước ăn phải đi mua từng bồn một về ăn. Còn cây trồng thì trên địa bàn xã sầu riêng trái trút hết, cà phê chết rất nhiều. Đặc biệt là vườn trên cao bị ảnh hưởng rất nặng, khô hết rồi, chết hết rồi” – ông Huyến nói.

Sầu riêng vừa ra bông thì bông khô luôn trên cành vì thiếu nước. Ảnh: Lâm Thiện.
Sầu riêng vừa ra bông thì bông khô luôn trên cành vì thiếu nước. Ảnh: Lâm Thiện.

Tương tự, tại huyện Bù Gia Mập người nông dân cũng đang “gồng mình” chịu hạn. Từ nước tưới tiêu đến sinh hoạt đều trở thành “hàng hiếm”. Nhiều vườn cây thiếu nước tại đây cũng đang dấu hiệu bắt đầu chết khô, không thể cứu nếu nắng nóng kéo dài thêm vài tuần. Hiện nước sinh hoạt nhiều gia đình phải đi mua hoặc hứng nước miễn phí từ những xe bồn của doanh nghiệp hảo tâm đi qua.

Nắng nóng kéo dài khiến hạn hán đang diễn ra trên diện rộng tại Bình Phước. Tại huyện Bù Đăng và Bù Gia Mập kinh tế người dân chủ yếu phụ thuộc vào cây trồng. Nhưng với địa hình nhiều đồi dốc, vườn cây trên cao, nước ngầm ở sâu, vào mùa khô mực nước ngầm lại càng sâu và hiếm hơn. Do đó, hàng ngàn héc ta cây trồng tại hai địa phương đang bị ảnh hưởng rất nặng bởi đợt hạn hán, người nông dân đứng trước vụ mùa mất trắng, thậm chí làm lại từ đầu.