Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nông dân Hà Giang mơ giấc mơ "Nghệ An"

Thu Nhung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thôn Lùng Châu, xã Phong Quang đã có một ngày vui hơn hội khi Thủ tướng, các lãnh đạo cấp cao của Hà Giang và hàng trăm người từ các miền đất nước đổ về dự lễ động thổ Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao của Tập đoàn TH với tổng đầu tư lên đến 2.500 tỷ đồng.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọng thổ Dự án bò sữa 2.500 tỷ đồng tại Hà Giang.
Từ ngày dự án bò sữa 2.500 tỷ đồng động thổ ở xã Phong Quang, Vị Xuyên, Hà Giang, người nông dân toan tính phủ đầy cỏ lên bãi hoang, trồng ngô bán cả cây 3 vụ… Còn các lãnh đạo xã, huyện, tỉnh thì ước vọng rằng phép màu biến miền Tây Phủ Quỳ, Nghệ An thành thủ phủ bò sữa, thành động lực phát triển kinh tế vùng sẽ tiếp tục tái hiện trên mảnh đất miền biên ải này.

Động lực cho vùng đất biên ải

Ông Ánh Đức Toàn, cựu chiến binh Vị Xuyên từng xây dựng lại từng chuồng lợn, chuồng gà trên ‘lò vôi thế kỉ’ đến bây giờ vẫn chỉ tạm đủ sống với cây trồng quen thuộc ngô, khoai sắn, mía, dứa… chia sẻ những tính toán để cuộc sống đầm ấm, trù phú hơn khi dự án về làng.
 Ông Ánh Đức Toàn, cựu chiến binh xã Phong Quang chia sẻ về kế hoạch làm ăn khi dự án bò sữa về làng xã.
Ông bảo, trước kia một năm trồng ngô chỉ được 2 vụ, chỉ bán bắp theo giá thị trường rất bấp bênh. Nếu trồng ngô bán cho dự án bò sữa, ông có thể trồng hẳn 3 vụ/năm, chỉ cần vào hạt là có thể bán cả cây, không phải vất vả thu hoạch, chở đi bán như trước bởi dự án mua và thu hái luôn trên cánh đồng. Đó là chưa kể có thể phủ cỏ lên bãi hoang bán cho dự án, nông sản cũng không còn cần mang ra tỉnh bán mà cũng chẳng có ai mua mà có thể bày bán ngoài đường, phục vụ cho luồng khách hàng mới mà dự án mang lại.

Chị Hoàng Xuân Thủy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phong Quang khó mà tin được 1ha đất có thể thu đến hàng tỷ đồng/năm. Bởi quanh năm suốt tháng bán mặt cho đất, cật lực cấy cày, thay từ cây ngô tới cây dứa, cây mía suốt mấy chục năm qua, thu nhập/1ha tại quê chị mới chỉ dừng ở mức vài chục triệu đồng/1ha/năm. Nhưng đặt chân đến Nghệ An, thăm trang trại bò sữa TH, chị đã thấy một tương lai rất khác và khấp khởi chờ ngày dự án xây dựng, hoàn thiện trên đất Vị Xuyên.
 Đông đảo người dân xã Phong Quang tới dự lễ động thổ Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao TH.
Chị Thủy cho biết cả xã Phong Quang có hơn 600 hộ, trong đó có tới 109 hộ nghèo, thu nhập trung bình chỉ khoảng 15-20 triệu đồng/ha/năm. Có dự án về, nông dân sẽ có thêm luồng sinh kế mới để thoát nghèo, cho đời sống thêm no ấm. Kể cả không vào dự án bò sữa làm, vẫn có thể trồng cỏ, trồng ngô, trồng dược liệu bán cho dự án hoặc làm các ngành nghề kinh doanh khác.

Mong chờ tương lai

Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao TH tại Hà Giang mới bắt đầu động thổ và nông dân bắt đầu nghĩ khác, làm khác. Còn lãnh đạo xã, huyện cũng đang khấp khởi chờ mong ngày dự án chính thức khởi công và đi vào hoạt động, làm đòn bẩy để phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Đỗ Đức Yên, Bí thư xã Phong Quang tin tưởng rằng dự án sẽ không để người dân địa phương thiệt thòi. Xã, huyện đã có những buổi tuyên truyền tới bà con về dự án nông nghiệp quy mô lớn này. Về cơ bản, bà con hiểu và đồng tình ủng hộ. Sau lễ động thổ, huyện và xã tiếp tục làm việc với nhân dân về phương án bồi thường đất đai, sắp xếp tái định cư cho các hộ dân có nhu cầu. Đồng thời phối hợp với công ty tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhận người dân không còn đất sản xuất vào nhà máy làm việc.
 Người dân thôn Bản Mán tranh thủ bán nông sản nhà trồng nhân dịp có khách phương xa về dự lễ động thổ. 
Nói chuyện với người dân địa phương trong lễ động thổ dự án, bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH cam kết: bà sẽ vận dụng khoa học công nghệ, khoa học quản trị hiện đại của thế giới vào dự án ở Hà Giang để tận dụng tối đa tiềm năng của đất, của dân. Dự án sẽ ưu tiên tối đa đào tạo, tuyển dụng người dân địa phương vào làm việc. Đồng thời TH sẽ nuôi bò, trồng dược liệu theo hướng hữu cơ để bảo tồn tối đa đất và nước nơi đây.

Chỉ vào dãy núi trước mặt khu đất làm lễ khởi công, bà khen thung lũng ở đây tuyệt đẹp, tựa lưng vào dãy núi giống Phật bà, ôm trọn bởi sông Lô và rất gần cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy. Đất đai, thổ nhưỡng và vị trí địa lý nơi đây không chỉ phù hợp với kế hoạch khơi nguồn một dòng sông sữa tươi chảy khắp Việt Nam, phủ kín dược liệu dưới những tán rừng của bà mà còn phù hợp với cả tiến trình xuất khẩu chính ngạch sữa tươi sang thị trường tiềm năng Trung Quốc của Tập đoàn TH.

Cánh đồng bò sữa châu Âu giữa đất Phủ Quỳ đang vẽ nên những giấc mơ tuyệt đẹp cho nông dân Hà Giang và nhiều vùng đất khác trên cả nước. Để biến giấc mơ của người dân thành hiện thực, bà Thái Hương cho rằng, bà cần đất và cần cả sự đồng lòng của các cấp lãnh đạo, người dân địa phương. Trước mắt, nơi nào trải thảm đỏ như Nghệ An, Hà Giang, bà và Tập đoàn TH sẽ tới đầu tư công nghệ cao biến đất thành vàng.