Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nông dân Hà Nội lo âu vì nền nhiệt giảm sâu

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nền nhiệt giảm sâu dưới 10 độ C những ngày qua đã gây ảnh hưởng rõ rệt tới sản xuất nông nghiệp của Hà Nội. Mặc dù đã thực hiện các biện pháp bảo vệ cây trồng, rau màu trước giá rét nhưng với nông dân, tình cảnh này chẳng khác nào đánh bạc với thời tiết.

Thời điểm này, vựa chuối 100ha tại xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ) đang vào cao điểm sinh trưởng, hứa hẹn cho thu hoạch đúng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Nam Doãn Văn Thắng cho biết, vụ chuối Tết năm nay, toàn xã có hơn 80ha dự kiến cho thu gần 2.000 buồng chuối. Nếu rét đậm, rét hại liên tiếp xảy ra nhiều đợt tới thì cây chuối sẽ chậm phát triển và chuối của Vân Nam sẽ lỡ hẹn với Tết.

 Nếu rét đậm, rét hại kéo dài chuối Vân Nam sẽ lỡ hẹn với Tết

“Trồng chuối cả năm trông chờ vào dịp Tết mà lệch ngày thu hoạch thì nông dân thu nhập chỉ bằng 1/3 so với thời tiết thuận lợi. Chuối Tết bán được 200.000 – 300.000 đồng/buồng, còn bán sau Tết và các dịp khác chỉ được 70.000 – 100.000 đồng/buồng” – ông Thắng nhẩm tính.

Cũng theo ông Thắng, cây chuối có đặc thù là canh tác theo phương thức quảng canh, nếu rét đậm, rét hại thì người nông dân cũng đành “lực bất tòng tâm” bởi không thể trồng trong nhà màng hay thắp đèn sưởi ấm. Cách chống chọi duy nhất vẫn chỉ là che phủ nilon cho buồng chuối để tránh sương muối làm xấu mã.

 Nông dân xã Bắc Sơn thu hái chè búp tươi

Không chỉ có những chủ vườn cây ăn quả, những ngày gần đây, nông dân trồng chè cũng thấp thỏm lo âu rét đậm, rét hại. Hộ chị Đào Thị Quý, ở xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) đang canh tác 1ha chè chia sẻ: “Nền nhiệt giảm sâu dưới 10 độ C ảnh hưởng rõ rệt trên cây chè, bởi cây không thể bật mầm. Bình thường cứ khoảng 30 – 45 ngày được thu 1 lứa chè, nhưng với thời tiết giá rét, phải mất tới 2 tháng mới thu hái được. Cùng thời điểm này, năm ngoái gia đình thu được 1,5 tấn búp chè khô thì năm nay chỉ thu được chưa đầy 1 tấn”.

Đây cũng là nguyên nhân khiến chị Quý và nhiều hộ trồng chè khác không dám ký hợp đồng tiêu thụ chè với đối tác vì lo ngại sản lượng chè búp sụt giảm, không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu. Chị Quý cho biết, chắc chắn giá chè búp khô dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu cũng sẽ cao hơn năm ngoái khoảng 1,5 – 2 lần do nguồn cung không mấy dồi dào.

Giá rét khiến cho cây chè chậm bật mầm, phải mất tới 60 ngày mới có thể thu hái

Theo phản ánh của nhiều nông hộ, cây chè không giống cây mạ do có thể chịu rét và không chết nhưng lại thiệt hại không nhỏ về kinh tế. Thêm vào đó, sau nhiều ngày chống chọi với rét đậm, rét hại, cây chè bị tổn thương nặng nề, người trồng sẽ rất vất vả chăm cây phục hồi. Để bảo vệ cây chè, chỉ có cách tưới nước thường xuyên để giữ ấm gốc. Nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện lắp đặt hệ thống tưới đồng bộ, bởi chi phí lên tới cả trăm triệu đồng.

Lo âu hơn cả có lẽ là những hộ trồng rau. Ghi nhận tại khu trồng rau an toàn của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai), tuy chưa có dấu hiệu bị hư hại, nhưng nếu thời tiết tiếp tục rét đậm, rét hại thì 10ha rau cũng khó tránh được ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.

 Nông dân chăm sóc rau an toàn tại Hợp tác xã Dịch vụ Lĩnh Nam

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Lĩnh Nam Nguyễn Mạnh Tùng cho biết, HTX đã chủ động bảo vệ rau bằng cách liên tục tưới nước chống sương muối đọng trên lá, đồng thời tăng cường bón phân, tránh không tỉa lá để giữ ấm cho gốc cây. Tuy nhiên, nếu thời tiết tiếp tục rét đậm, rét hại kéo dài thì những diên tích không trồng trong nhà màng, nhà lưới khó lòng chống đỡ nổi, bởi nền nhiệt giảm sâu cùng với sương muối sẽ khiến rau bị úa lá, thậm chí là héo, chết.