Chủ tịch HND TP Hà Nội Phạm Hải Hoa cho biết, hội nghị lấy ý kiến vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII được tổ chức với mục đích tập hợp và phát huy quyền làm chủ của cán bộ, hội viên nông dân Thủ đô; các nhà khoa học, hộ sản xuất kinh doanh giỏi, các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; củng cố niềm tin của cán bộ, hội viên nông dân với Đảng.
Thông qua việc thảo luận, lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động và ý chí quyết tâm trong cán bộ, hội viên nông dân Thủ đô, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội.
Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội phát biểu tại hội nghị |
Tại hội nghị, các đại biểu đều khẳng định, các dự thảo văn kiện đã được chuẩn bị công phu, tổng kết đánh giá thực tiễn, có tính khái quát cao. Nhiều nhận định sâu sắc, đúc rút thành lý luận xứng tầm báo cáo chính trị - văn kiện trung tâm của Đại hội. Các Dự thảo Báo cáo đánh giá đúng những kết quả đạt được về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, quan hệ đối ngoại, công tác xây dựng Đảng… đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém.
Các đại biểu cũng đã góp ý, làm rõ thêm vai trò; thành tựu; tồn tại, hạn chế; các giải pháp đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Nhiều ý kiến đã đưa ra các giải pháp để nông dân phát huy vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Đại diện Hội Nông dân huyện Phúc Thọ góp ý tại hội nghị |
Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng
Đối với phần đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, nguyên nhân và kinh nghiệm, Chủ tịch HND huyện Gia Lâm Chu Anh Tuấn góp ý, nội dung hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế… (trang 10,11) cần làm rõ một số nguyên nhân dẫn đến việc sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn kém hiệu quả. Đó là khâu tiêu thụ sản phẩm cho nông dân còn chậm, chưa chú trọng vào lĩnh vực công nghiệp chế biến sau thu hoạch. Công tác xây dựng nông thôn mới còn nặng nề về hình thức, chưa gắn được với việc phát triển bền vững môi trường.
Ông Chu Anh Tuấn cho rằng, về nội dung phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (trang 31,32), Dự thảo nên bổ sung “Đảng và Nhà nước cần có chủ trương tập trung phát triển mô hình kinh tế hộ gia đình, tạo điều kiện cho các hộ gia đình thực hiện dự án phát triển kinh tế trang trại, liên kết quy hoạch vùng sản xuất”.
Chủ tịch HND huyện Mê Linh Phạm Thị Dung góp ý, trong phần Định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 (trang 24): GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 – 5.000 USD là cao nên giảm xuống vì dân số Việt Nam 70% là nông nghiệp. Dự thảo báo cáo đã chỉ rõ nền kinh tế phát triển chưa bền vững, kinh tế nông nghiệp nước nhà đang được đánh giá là phát triển chậm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ít, trong khi đó thì biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai lụt lội, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường…
Hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Hoài Đức góp ý tại hội nghị |
Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030;
Chủ tịch HND huyện Thạch Thất Khuất Khắc Sơn nhất trí với 5 quan điểm phát triển của Chiến lược, đặc biệt là các nội dung về thể chế kinh tế thị trường, mô hình tăng trưởng, xây dựng Nhà nước pháp quyền gắn với phát huy quyền làm chủ của người dân, phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân. Ông Sơn cũng nhất trí với ba đột phá chiến lược nêu trong Dự thảo báo cáo về phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghê và đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng, lòng tự hào dân tộc và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, Dự thảo cần nêu rõ hơn những nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách về văn hóa, xã hội; những chủ trương, chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025;
Chủ tịch HND huyện Mê Linh Phạm Thị Dung góp ý vào phần Mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu (trang 37): Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 45% là cao, đề nghị giảm xuống. Thực tế, hiện nay trên cả nước nhiều dự án quy hoạch đang “treo” không triển khai hoặc triển khai không hiệu quả gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai.
Cũng theo bà Dung, phần Nông nghiệp (trang 43) nên bổ sung cụm từ “Hoàn thiện các chính sách về quản lý đất đai, nhất là đất nông nghiệp, phân cấp quản lý từ cơ sở lên Trung ương” vào đoạn “Xây dựng chính sách đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong tình hình mới…”
Phần Phát triển các vùng và khu kinh tế (trang 47), tại nội dung Vùng Đồng bằng song Hồng Nên nên bổ sung cụm từ “Nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm” vào đoạn “Mở rộng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bà Dung cho rằng, đây là mô hình phát triển nông nghiệp bền vững, là mô hình nông nghiệp thế giới hướng đến trong tương lai.
Box:
Tại hội nghị, các đại biểu kiến nghị Đảng, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đối với chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cụ thể: Hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp; giúp nông dân có thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; tăng cường chuyển giao, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Tạo điều kiện để nông dân tích tụ ruộng đất, khuyến khích các DN đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục hỗ trợ xây dựng nông thôn mới nâng cao; hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông thôn.