Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nông dân Mê Linh thất thu vì sâu bệnh

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời tiết nắng nóng khiến sâu bệnh bùng phát tại vùng rau xã Tráng Việt, huyện Mê Linh. Nhiều diện tích canh tác rau màu của bà con nông dân bị thiệt hại nặng nề, thậm chí là mất trắng.

Thiệt hại khoảng 30ha
Vụ Xuân 2020, gia đình chị Nguyễn Thị Hiền ở thôn Đông Cao (xã Tráng Việt) canh tác khoảng 1 mẫu rau củ, chủ yếu là củ cải và rau ăn lá. Đang là cuối vụ nhưng nhiều diện tích cây trồng của gia đình chị bị mất trắng do sâu bệnh tàn phá. Không chỉ gia đình chị Hiền, hàng trăm nông hộ trên địa bàn xã Tráng Việt (chủ yếu tại thôn Đông Cao) cũng “đứng ngồi không yên” vì nhiều diện tích bị sâu bệnh hại nghiêm trọng. Thống kê sơ bộ của UBND xã Tráng Việt cho thấy, diện tích rau màu của bà con bị thiệt hại nặng vào khoảng 30ha.
Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Mê Linh Bùi Mạnh Tiến cho biết, loại sâu hại cây trồng thời gian qua phổ biến là sâu tơ trên rau. Loài sinh vật này sinh trưởng, phát triển nhanh trong điều kiện nóng ẩm.
 Thu hoạch củ cải tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng
Thời gian qua, trước diễn biến sâu bệnh hại, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Mê Linh và UBND xã Tráng Việt đã tổ chức hướng dẫn cho bà con nông dân triển khai đồng bộ các giải pháp phòng trừ như dùng keo dính, sử dụng bẫy nước - bẫy bướm… Mặc dù vậy, tình trạng sâu bệnh hại, nhất là sâu ăn lá vẫn diễn ra khá nghiêm trọng.
Ngăn nguy cơ lây lan rộng
Thực tế, điều kiện thời tiết là nguyên nhân chính dẫn đến việc sâu bệnh hại bùng phát tại Mê Linh. Tuy nhiên, đây không phải lý do duy nhất cho tình trạng rau màu thất thu tại xã Tráng Việt. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tráng Việt Đàm Văn Thìn, hiện nay giá thu mua rau củ không cao nên có một bộ phận bà con nông dân không mặn mà với việc chăm sóc, thu hoạch, nhất là củ cải. Điều này khiến nhiều diện tích bị giảm năng suất, sâu bệnh hại bùng phát dẫn đến thất thu.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (xã Tráng Việt) Vũ Văn Kỳ thông tin thêm, khối lượng rau màu các loại được tiêu thụ qua các kênh liên kết hiện chỉ chiếm khoảng 15%. Số còn lại, việc tiêu thụ nhìn chung còn bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào nhu cầu thị trường.
Cùng với lý do trên, việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật khá tùy tiện hiện nay cũng có thể xem là nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng sâu bệnh hại phát triển mạnh. Thực tế, một số trường hợp bà con nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không có trong danh mục cho phép đã bị địa phương xử lý.
“Thời gian tới, địa phương sẽ phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tác hại và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên rau màu. Đặc biệt là việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm 4 đúng theo quy định…” – ông Thìn cho biết thêm.
Trước tình trạng sâu bệnh hại rau màu xảy ra khá nghiêm trọng tại huyện Mê Linh, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có công văn đề nghị chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, tổ chức phòng trừ bệnh hại, đặc biệt là sâu tơ hại rau kịp thời, hiệu quả, không để sâu bệnh phát sinh, gây hại trên diện rộng.
Đặc biệt, Sở NN&PTNT Hà Nội lưu ý huyện Mê Linh tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng lưu hành trên thị trường; tránh việc nông dân thiếu thông tin, lựa chọn và sử dụng sai gây thiệt hại cho sản xuất.