Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nông dân phấp phỏng, đào quất nằm dài ngóng khách

Nguyễn Nga - Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn hơn chục ngày nữa là tới Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tuy nhiên thời điểm này thị trường hoa, cây cảnh trưng Tết vẫn ảm đạm. Nhiều nông dân không khỏi lo lắng, sốt ruột vì tiền của, công sức bỏ ra cả năm, nay có nguy cơ thua lỗ.

Chủ một vườn đào tại phường Đại Mỗ, quận Nam Liêm chăm sóc đào trưng Tết. Ảnh: Ánh Ngọc
Chủ một vườn đào tại phường Đại Mỗ, quận Nam Liêm chăm sóc đào trưng Tết. Ảnh: Ánh Ngọc

Giá giảm, sức mua chậm

Hộ anh Nguyễn Văn Hợi ở xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) đang canh tác hơn 2 mẫu đào thế. Với hơn 2.000 gốc đào, anh dự kiến thu về 4 - 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, mặc dù Tết đã cận kề, nhưng các thương lái vẫn “án binh bất động”, hàng ngàn gốc đào đang nằm dài chờ khách. Hiện, cả vườn đào của gia đình anh mới bán được vài chục cây, chủ yếu là khách lẻ. Còn những khách buôn ngập ngừng không dám đặt cọc, vì đây là phân khúc hàng cao cấp, số vốn bỏ ra lớn.

Anh Hợi chia sẻ: “Để đầu tư được vườn đào này, số vốn gia đình anh bỏ ra không hề nhỏ. Nếu như mọi năm từ đầu vụ khách từ các tỉnh lân cận đặt cọc, đưa ô tô tải đến mua buôn cả vườn đưa đi chợ hoa bán ngày Tết thì năm nay số khách mua buôn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do đó, tôi đã chủ động giảm giá từ 2,5 – 3 triệu đồng/gốc để thu lại vốn nhưng lượng khách đến xem và xuống tiền cũng rất ít”.

Chủ vườn tỉ mỉ chăm chút từng gốc đào. Ảnh: Ánh Ngọc
Chủ vườn tỉ mỉ chăm chút từng gốc đào. Ảnh: Ánh Ngọc

Trong khi đó, anh Nguyễn Đình Tuyển, thuê đất trồng đào tại phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm), cho biết, thời điểm này anh Tuyển đã hoàn thành việc lên chậu bày bán 500 gốc đào bonsai, dáng huyền. “Có lẽ do ảnh hưởng dịch Covid-19, người dân thắt chặt chi tiêu nên lượng khách đi xem và đặt mua khá thưa thớt. Về giá cả, nhìn chung giá mặt hàng đào trưng Tết giảm khoảng 30% so với Tết năm ngoái, với giá dao động từ 700.000 - 1,5 triệu đồng/gốc đối với đào bonsai, đào dáng huyền; 100.000 - 400.000 đồng/cành đối với đào cành.

Chủ vườn đào ngóng khách đến ngắm và xuống tiền mua cây. Ảnh: Ánh Ngọc
Chủ vườn đào ngóng khách đến ngắm và xuống tiền mua cây. Ảnh: Ánh Ngọc

Chào bán quất tại chợ hoa Vạn Phúc (quận Hà Đông) từ những ngày đầu tháng Chạp, anh Đỗ Văn Tuấn cho biết, năm nay anh chỉ trồng số lượng quất bằng một nửa so với các năm trước. Giá cũng được điều chỉnh rẻ hơn 20 - 30% nhưng lượng người xem và đặt mua rất vắng, khác hẳn với không khí tấp nập, rộn ràng như mọi năm. Với hơn 200 chậu quất mini với giá bán từ 100.000 - 200.000 đồng/chậu, quất bonsai nhỏ có giá từ 300.000 - 500.000 đồng/chậu, quất chum có giá 400.000/cây, quất ấm tích có giá từ 200.000 - 250.000đồng/cây… Tuy nhiên, đến thời điểm này anh mới bán được khoảng 30% lượng hàng.

Song đáng lo nhất vẫn là số quất bonsai có kích thước lớn, độc, lạ với giá tới 40-50 triệu đồng/cây phục vụ các DN, công sở mua hoặc thuê để trưng bày Tết. Theo anh Tuấn, đã qua Rằm tháng Chạp mà anh mới xuất bán được có 3 cây và giá cũng giảm xuống còn 30-35 triệu đồng/cây. Hơn chục cây còn lại chắc không thể bán hay cho thuê được nữa vì hầu như khách không có nhu cầu. “Kể cả bán hết được lượng hàng này nhưng trừ chi phí thuê nhân công, phương tiện vận chuyển và các khoản chi phí vật tư chăm sóc cả năm thì giỏi lắm chỉ cầm hòa” – anh Đỗ Văn Tuấn buồn rầu nói.

Muôn kiểu xoay xở bán hàng

Trước tình hình giá giảm, sức mua chậm, nhiều hộ trồng hoa, cây cảnh tại Hà Nội đã linh hoạt trong cách thức bán hàng. Để phục vụ khách chu đáo, tăng khả năng cạnh tranh, không ít chủ vườn còn áp dụng thêm cả hình thức vận chuyển và bảo hành trọn gói với giá ưu đãi.

Những chậu quất mini được khách hàng quan tâm nhiều hơn cả. Ảnh: Ánh Ngọc
Những chậu quất mini được khách hàng quan tâm nhiều hơn cả. Ảnh: Ánh Ngọc

Vừa giao chuyến hàng cho các tiểu thương một số tỉnh phía Bắc, anh Hoàng Văn Trào, chủ một vườn hoa ở xã Tích Giang (huyện Phúc Thọ), cho hay: “Không chỉ giữ giá cả ổn định, tôi còn còn hỗ trợ 100% tiền chi phí vận chuyển cho các chủ kinh doanh. Các chính sách khuyến mại như chăm sóc miễn phí các loại cây trưng bày đã xuống sắc cho tiểu thương, giảm giá thêm 5% nếu nhập lượng hàng lớn cũng được đưa ra. Nói chung, năm nay là năm đặc biệt nên cả người trồng và tiểu thương đều xác định bán sao cho nhanh hết hàng”.

Quất bonsai xếp hàng chờ khách. Ảnh: Ánh Ngọc
Quất bonsai xếp hàng chờ khách. Ảnh: Ánh Ngọc

Với hy vọng bán hết số đào trước Tết, cùng với hình thức trực tiếp, anh Đặng Đình Tuyển còn bán hàng trên zalo, facebook cá nhân, bằng cách liên tục đăng hình ảnh, thông tin, thậm chí livestream từng cây để đáp ứng nhu cầu lựa chọn cây của khách. Bởi theo anh Tuyển, mặc dù lượng hàng bán qua kênh online còn khiêm tốn, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì đây cũng là một sự tiện lợi cho cả người bán và khách hàng.

Ghi nhận của phóng viên tại một số điểm hoa Xuân trên địa bàn TP cho thấy, giá hoa dịp Tết năm nay không nhiều biến động. Nhìn chung, tại các cửa hàng, địa điểm kinh doanh hoa, cây cảnh, không khí mua hoa Tết đến thời điểm này khá trầm lắng. Theo dự đoán của một số tiểu thương, có thể năm nay phải đến tận 25 và 26 Tết, thị trường hoa bắt đầu mới thực sự bước vào cao điểm.

Với cách tính kỹ lưỡng, căn cơ cho thị trường hoa, cây cảnh Tết Nguyên đán Nhâm Dần của các nhà vườn và tiểu thương cho thấy, đây là năm khá đặc biệt, tất cả đều sẵn sàng sống chung và ứng phó với mọi hoàn cảnh dịch bệnh. Hy vọng vào những ngày giáp Tết, khi người dân có nhiều thời gian đi mua sắm sẽ làm cho thị trường hoa, cây cảnh nhộn nhịp hơn, lượng hàng bán chạy hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc hàng nghìn nông dân, chủ vườn sẽ có cái Tết sung túc, đủ đầy hơn.  

 

Hiện nay thị hiếu của người chơi hoa vào dịp Tết không còn bó hẹp ở các loại hoa truyền thống và cũng rất khó đoán định. Vì vậy, người trồng hoa cần nhạy bén tìm hiểu nhu cầu của thị trường qua các kênh mua sắm trực tuyến hoặc thông tin từ thương lái thăm vườn để thay đổi cho phù hợp, mang lại lợi nhuận cao nhất. Đặc biệt, trồng hoa phụ thuộc rất lớn vào thời tiết nên để có mùa hoa bội thu, các địa phương cần quy hoạch vùng sản xuất hoa tập trung, đưa công nghệ cao, nhà kính, nhà lưới vào sản xuất với quy mô lớn, nhằm hạn chế bất lợi về thời tiết.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ