Các chuyên gia, nhà quản lý giải đáp thắc mắc, kiến nghị của nông dân Chương Mỹ |
Mục đích của tọa đàm nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng cho cán bộ, hội viên, nông dân. Tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của nông dân về tuân thủ các quy trình sản xuất, chế biến nông sản đảm bảo vệ sinh ATTP là bảo vệ sức khỏe, lợi ích cho bản thân và cộng đồng, góp phần giảm thiểu các trường hợp ngộ độc thực phẩm.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu và nông dân đã thẳng thắn trao đổi, chia sẻ, thảo luận nhiều vấn đề như: Bất cập trong công tác quản lý ATTP tại địa phương; những hạn chế về nhận thức của người dân trong sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn tại cơ sở; phổ biến quy định sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, sử dụng chất cấm, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi...
Những thắc mắc, kiến nghị của hội viên nông dân đã được các đại biểu giải đáp, rõ ràng, thỏa đáng. Đồng thời, các đại biểu cũng đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện giúp nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần thúc đẩy Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Phó Chủ tịch Thường trực HND TP Hà Nội Dương Thị Hằng cho biết, thời gian qua, các cấp HND TP đã phát động và duy trì cuộc vận động “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, tiêu dùng và bán ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn”. Đồng thời, tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia hưởng ứng “Tháng hành động vì ATTP” hàng năm do UBND TP phát động.
Theo đó, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức được hàng nghìn buổi tuyên truyền với hơn 90.000 lượt người tham dự. Phối hợp với các ban, ngành tổ chức hàng trăm lớp tập huấn về vệ sinh ATTP, hướng dẫn cho cán bộ, hội viên nông dân về quy trình sản xuất thực phẩm an toàn. Cùng với đó, Hội còn khuyến khích cán bộ, hội viên nông dân ưu tiên dùng hàng Việt Nam và sản xuất hàng hóa đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) Trần Ngọc Tụ cho hay, vấn đề vệ sinh ATTP luôn là vấn đề “nóng” thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về ATTP và không tuân thủ đầy đủ đúng quy trình kỹ thuật sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng an toàn của các hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa cao; do sự nhận thức yếu kém, chạy theo lợi nhuận và cố tình vi phạm của một số tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn, làm ảnh hưởng sức khỏe của người tiêu dùng.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, năm 2018 Việt Nam có 164.000 ca mắc mới và hơn 114.000 người tử vong, tương đương mỗi ngày hơn 450 người mắc mới và hơn 312 người tử vong. Năm 2012 Việt Nam phát hiện khoảng 125.000 ca ung thư mới và hơn 94.000 người tử vong. Như vậy, trong vòng 6 năm, số bệnh nhân ung thư phát hiện mới mỗi năm tăng 31%, trong đó thực phẩm bẩn đứng hàng đầu trong các nguyên nhân gây bệnh, chiếm tỷ lệ 35%.