Nông dân tạo chuyển biến to lớn, toàn diện trong phát triển nông thôn

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các thành tựu nổi bật của xây dựng nông thôn mới (NTM) những năm qua đều nhờ sự đóng góp to lớn của nông dân. Từ đó góp phần tạo chuyến biến to lớn, toàn diện trong phát triển nông thôn Việt Nam.

74% số xã đạt chuẩn nông thôn mới

Theo Bộ NN&PTNT, đến tháng 10/2023, cả nước đã có 6.043/8.167 xã (74%) đạt chuẩn NTM; bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã. Nhờ huy động tốt các nguồn lực cho phát triển hạ tầng, diện mạo nông thôn đã khởi sắc rõ rệt.

Đến nay, cả nước có 81,7% số xã đạt tiêu chí giao thông; 90,7% số xã đạt tiêu chí thủy lợi; 83,2% số xã đạt tiêu chí trường học; 81,2% số xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa... Tương tự, các hạ tầng thiết yếu khác ở nông thôn cũng được xây dựng với tốc độ nhanh hơn.

Một góc nông thôn mới tại huyện Đông Anh (TP Hà Nội).
Một góc nông thôn mới tại huyện Đông Anh (TP Hà Nội).

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM đạt nhiều kết quả quan trọng, phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền gắn với thị trường trong nước và quốc tế. Các loại hình tổ chức sản xuất trong nông nghiệp được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường và sản xuất hàng hoá quy mô lớn, hiệu quả hơn.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần khơi dậy tiềm năng, lợi thế, các giá trị bản địa của các vùng, miền, địa phương; khơi dậy tư duy sáng tạo, đổi mới, truyền tải được những giá trị văn hóa truyền thống, hồn cốt của dân tộc trong từng sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn theo hướng “tích hợp đa giá trị”.

Tính đến nay, 63/63 tỉnh, TP đã đánh giá, phân hạng 10.323 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó 67,3% sản phẩm 3 sao, 31,2% sản phẩm 4 sao, 0,8% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao. Đã có 5.361 chủ thể OCOP, trong đó có 38,1% là hợp tác xã, 24,2% là doanh nghiệp, 34,9% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.

Vẫn còn nhiều hạn chế

Theo Bộ NN&PTNT, các thành tựu nổi bật của xây dựng nông thôn mới (NTM) những năm qua đều nhờ sự đóng góp to lớn của nông dân. Dù vậy, sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn, cũng như đóng góp của các tầng lớp nhân dân vẫn chưa đồng đều, còn nhiều hạn chế. 

 

Khoảng cách chênh lệch khá lớn về kết quả đạt chuẩn nông thôn mới giữa các vùng, miền gián tiếp thể hiện sự chênh lệch về thu nhập, đóng góp của người dân.

Phương thức sản xuất kinh tế hộ khiến nông dân ở mức độ nào đó còn cô lập với nhau. Thu nhập thấp, xuất phát điểm thấp, không đồng đều của nông thôn các vùng, miền khiến điều kiện tham gia của nông dân vào xây dựng NTM gặp khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nhóm người nghèo.

Đặc điểm tham gia hoạt động xã hội của người nông dân chưa đáp ứng các yêu cầu xây dựng NTM. Thói quen tiểu nông vẫn nặng nề. Các hoạt động phục vụ lợi ích cá nhân tham gia thường xuyên hơn so với lợi ích công cộng. Trong khi đó, nhiều công việc xây dựng NTM lại rất cần sự tham gia thường xuyên của người nông dân.

Tác động từ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa rất phức tạp. Tư duy và hệ lụy hai mặt của cơ chế thị trường, trào lưu lao động trẻ ly nông, ly hương, khoảng cách giàu nghèo, công nghệ tin học hiện đại và mạng xã hội lan truyền... ảnh hưởng lớn đến sự ổn định về nhận thức và thực hiện vai trò chủ thể của người dân ở nông thôn.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, cách tiếp cận, phương pháp triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở mức độ nào đó còn bất cập, kéo dài sự rập khuôn cứng nhắc, áp đặt, mức độ phân cấp chưa đủ mạnh. Một số công cụ triển khai chưa có tính phù hợp cao, ví dụ, bộ tiêu chí NTM và các quy định về phát huy vai trò người dân thường xuyên phải điều chỉnh.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng nhìn nhận, đánh giá hầu hết các giải pháp chính sách hiện nay đều hướng tới người nông dân. Điều này phù hợp với chủ trương chung, nhưng khiến nảy sinh tâm lý trông chờ, ỷ lại ở một bộ phận nông dân. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra hiện nay là cần tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách đối với nông dân nhằm kích thích tiềm năng, tính tích cực, chủ động của người dân trong xây dựng NTM.