Gắn bó với nghề nông hơn 40 năm nay, ông Nguyễn Ngọc Hoàng (thôn Cổ Trâu, xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên) luôn ám ảnh với việc phun thuốc bảo vệ thực vật. Với diện tích 2,4ha, những lúc cao điểm, gia đình ông phải thuê thêm cả chục nhân công để phun thuốc, tốn một khoản chi phí không nhỏ. Tuy nhiên, câu chuyện này đã được giải quyết khi ông đầu tư 500 triệu đồng mua một chiếc máy bay không người lái chuyên phun thuốc bảo vệ thực vật. “Việc sử dụng thiết bị phun thuốc không chỉ giúp nâng cao năng suất lao động mà còn tiết kiệm thời gian. Với sức chứa 10kg dung dịch, trung bình 2 tiếng máy bay có thể phun được trên 2,5ha ruộng, vườn, đặc biệt giảm được 1/3 lượng nước dùng pha thuốc mà vẫn bảo đảm thuốc có thể trải đều mặt ruộng” – ông Hoàng chia sẻ.
Việc thay đổi phương thức sản xuất và ứng dụng các thiết bị máy móc thông minh vào nuôi trồng thủy sản cũng giúp anh Lê Văn Lâm, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên có thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm. Trên diện tích 11 mẫu ao, anh Lâm lắp đặt hệ thống sục khí, máy quạt nước và máy cho cá ăn. Theo anh Lâm, nhờ có máy cho cá ăn tự động đã giảm thiểu được 5 lao động/ngày. Chính vì vậy, mặc dù với khối lượng công việc của trang trại tương đối lớn nhưng gia đình anh không phải thuê lao động. Thêm vào đó, hệ thống máy cho cá ăn còn giúp chia nhỏ bữa ăn trong ngày, giúp tỷ lệ cám phân bổ đều hơn, giảm hao hụt và kiểm soát được lượng thức ăn.
Nhiều chính sách khích lệPhó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Dương Thị Hằng cho biết, thời gian qua, TP đã có nhiều chính sách đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, khích lệ nông dân tiếp cận khoa học công nghệ thông qua các hội thảo tập huấn khoa học kỹ thuật, các câu lạc bộ nông dân, phong trào sản xuất kinh doanh giỏi… Cùng với đó là hỗ trợ nguồn vốn tín dụng, nhằm tạo nguồn lực cho nông dân khi xây dựng các mô hình phát triển kinh tế có đầu tư công nghệ. Đây chính là những bước đệm cần thiết cho nông dân vững tin hội nhập, tiến bước đến mục tiêu trở thành “nông dân thông minh”.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Hoàng Thị Huyền, thông qua Chương trình OCOP với những cơ chế hỗ trợ về xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và quy trình giám sát, phân loại, nâng hạng sản phẩm, TP cũng hướng dẫn người dân bắt nhịp với cách thức làm nông nghiệp mới. Đó là chú trọng đến chất lượng, quy trình công nghệ, giá trị thương hiệu… Ngoài ra, đơn vị cũng đang thực hiện việc chuyển giao những công nghệ, kỹ thuật mới, tiên tiến cho nông hộ để người dân thấy được tiện ích của khoa học kỹ thuật, giảm thiểu rủi ro, tiết kiệm thời gian, nhân lực và quan trọng là nâng cao giá trị nông sản.
Tuy nhiên, hiện nay các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Hà Nội chủ yếu mới dừng lại ở việc ứng dụng từng phần, do đó chưa phát huy được hết tiềm năng. Vướng mắc đang đặt ra đối với các DN, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao là nguồn vốn và quỹ đất. Do đó, TP cũng cần nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách về khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất và có cơ chế giao đất ổn định, dài hạn để phù hợp. Cùng với đó, tổ chức tập huấn cho nông dân, người sản xuất nhằm nâng cao trình độ, tay nghề để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.