Ngày 14/1, TAND TP Hòa Bình mở lại phiên tòa xét xử Hoàng Công Lương và những người có tránh nhiệm trong vụ án chạy thận khiến 9 người tử vong tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình.
Phiên tòa mở đầu đã có nhiều tình tiết căng thẳng. Theo đó, tại phần làm thủ tục, thư ký phiên tòa thông báo, một số người có liên quan, nhân chứng và bị hại không có mặt theo triệu tập. Ngay sau thời điểm này, nhiều luật sư bào chữa cho các bị cáo yêu cầu hoãn phiên tòa xét xử vì tình tiết trên. Các luật sư cho rằng, việc vắng mặt của 2 điều dưỡng viên là Đỗ Thị Điệp, Nguyễn Thu Hằng (đã có đơn xin không tham dự phiên tòa) là yếu tố quan trọng để xét xử vụ án. Vì vậy, đề nghị Tòa triệu tập những điều dưỡng viên của Đơn nguyên thận và những nhân chứng, nếu cần thiết phải áp dụng việc dẫn giải. Ngoài ra, luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương nghi ngại tình trạng sức khỏe và cho rằng thân chủ của mình chưa đủ tỉnh táo để trả lời những câu hỏi của HĐXX.
Tại phiên tòa, bị cáo Hoàng Công Lương cho biết, do không muốn ảnh hưởng đến phiên tòa nên đã cố gắng đến. Nếu phiên xét xử kéo dài, tình trạng sức khỏe của mình không được tốt, bị cáo Hoàng Công Lương sẽ đề nghị xin vắng mặt. Tuy nhiên, đại diện VKSND đề nghị phiên tòa tiếp tục xét xử do đây đã là lần thứ 2 triệu tập hợp lệ…
Trước diễn biến trên, HĐXX sau khi hội ý riêng đã quyết định tiếp tục xét xử vụ án. Theo HĐXX, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đã có đơn xin vắng mặt và có lời khai hợp lệ trong hồ sơ.
Tiếp tục phiên xét xử, đại diện VKSND tỉnh Hòa Bình thông tin cáo trạng truy tố các bị cáo. Theo đó, VKSND tỉnh Hòa Bình tiếp tục giữ quan điểm truy tố bị cáo Hoàng Công Lương và Bùi Mạnh Quốc tội “Vô ý làm chết người” theo khoản 2 Điều 98 Bộ luật Hình sự 1999 với khung hình phạt từ 3 - 10 năm tù.
Liên quan đến vụ án, 5 bị cáo khác bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự 1999 với khung hình phạt từ 3 năm đến 12 năm tù. Trong đó, các bị cáo trước đó đều làm việc tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, gồm: Trương Quý Dương, cựu Giám đốc; Hoàng Đình Khiếu, Phó Giám đốc; Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Quản lý vật tư; Trần Văn Sơn, cán bộ Phòng quản lý vật tư và bị cáo liên đới trách nhiệm là Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn. Bị cáo Đỗ Anh Tuấn bị truy tố do đã ký hợp đồng với bệnh viện để sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 nhưng lại ký hợp đồng và để công ty khác trực tiếp sửa chữa.
Mở đầu phần xét hỏi, HĐXX yêu cầu những bị cáo bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” lên bục đối chất. Cựu giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình, Trương Quý Dương là người đầu tiên bước lên bục xét hỏi. Bị cáo Dương đã giải trình công tác phân công nhiệm vụ trong thời gian đương nhiệm và thời điểm xẩy ra sự cố. Theo đó, bị cáo Dương đã ủy quyền, phân cấp cho phó giám đốc, trưởng khoa… theo đúng quy định và được tập thể bệnh viện thông qua. Về cơ sở pháp lý việc thành lập Đơn nguyên thận, bị cáo Dương cho rằng “cơ bản đủ điều kiện”.
Nguyên Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình, Hoàng Đình Khiếu tiếp nối lên bục xét hỏi. Giải trình tại phiên tòa, bị cáo Khiếu cho biết, thời điểm xẩy ra sự cố đang phụ trách 13 khoa, phòng và là người kiêm nhiệm chức trưởng khoa hồi sức tích cực. Bị cáo Khiếu khẳng định, nhiệm vụ chỉ kiểm tra, giám sát khi có vấn đề phát sinh và hàng ngày, hàng tháng giao ban cùng các khoa, phòng triển khai công văn quy định từ cấp trên.
Về công tác yêu cầu vật tư tại phòng vật tư của BVĐK Hòa Bình, bị cáo Khiếu cho rằng: “Thực tế phụ trách phòng vật tư có thể báo cáo trực tiếp cho giám đốc, bị cáo chỉ là giúp việc cho giám đốc”. Quyền hạn của phó giám đốc chỉ giúp việc, khi được ủy quyền thì mới được làm. Khi có vấn đề bất cập trong bệnh viện thì điều dưỡng trường, chủ nghiệm khoa và ban giám đốc đều nắm bắt được…