Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, sau 5 năm điều chỉnh địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội, nông nghiệp, nông thôn TP Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả. Tổng giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản đạt 8.727 tỷ đồng, tăng 18,2% so với năm 2008 và đạt 37.181 tỷ đồng, tăng 84,6% so với năm 2008. Cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp phát triển theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi thủy sản, dịch vụ nông nghiệp; Tỷ trọng trồng trọt, lâm nghiệp ngày càng giảm. Giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản năm 2012 đạt 199,2 triệu đồng/ha, tăng 88% so với năm 2008. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp bình quân đạt 1,75%/năm.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cùng đoàn công tác kiểm tra công trình Trạm bơm Xém, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín. (Ảnh: Hoàng Quyết)
Nông nghiệp Thủ đô đã hình thành nhiều vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung, có năng suất, sản lượng cao và có giá trị kinh tế, như: Vùng hoa Mê Linh, Đông Anh; Cây ăn quả tại Đan Phượng, Thanh Oai; Các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản tập trung tại Ba Vì, Ứng Hòa, Phú Xuyên…
Về phát triển nông thôn, khu vực nông thôn ngày càng thay đổi, nhiều HTX NN hoạt động có hiệu quả, dịch vụ trong nông nghiệp phát triển mạnh; Bộ mặt nông thôn đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao, thu nhập của người dân nông thôn từ 8,2 triệu đồng/năm (năm 2008) lên 21,3 triệu đồng/năm (năm 2012); Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,5%/năm; 86% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; kết cấu hạ tầng nông thôn được chú trọng đầu tư. Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay đã có 19/19 huyện phê duyệt đề án xây dựng NTM; Có 12 xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí NTM, 91 xã đạt từ 14 – 18 tiêu chí.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, có được những thay đổi trên là do khu vực nông thôn đã được sự quan tâm đầu tư của Thành phố, sự cố gắng của bà con nông dân và sự vào cuộc của các ngành, các cấp. Từ năm 2008 đến nay, hàng năm TP đều đầu tư trên dưới 1.000 tỷ đồng cho việc xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn. Từ nguồn vốn đầu tư của TP, đến nay, ngành nông nghiệp đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hạ tầng 5 vùng sản xuất RAT tập trung, 27 tuyến kè với chiều dài gần 30km trên các tuyến sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy, sông Bùi; Đưa 10 trạm bơm tưới tiêu vào phục vụ sản xuất, phòng chống úng ngập; Nạo vét khơi thông dòng chảy hàng trăm ki lô mét kênh mương…
Trước khi diễn ra buổi làm việc với huyện Phú Xuyên về kết quả đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã đi kiểm tra thực tế tại Trạm bơm Nhân Hiền, xã Hiền Giang và Trạm bơm Xém, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín. Sau đó, Bí thư Thành ủy đi kiểm tra dự án nâng cấp Trạm bơm Lễ Nhuế, xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên.
Nhìn nhận về những đổi thay của nông nghiêp, nông thôn qua 5 năm (2008-2013), Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, 5 năm chưa phải là quãng thời gian dài, nhất là công cuộc xây dựng nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Để tạo được chuyển biến trong lĩnh vực này không phải dễ dàng, nhưng với sự cố gắng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã tạo được sự thay đổi rõ nét trong nông dân, nông thôn. “Điều này thể hiện sự nỗ lực của các cấp, ngành, từ quy hoạch đến cơ chế, chính sách ưu tiên, con người, mọi thứ đều được vận dụng vào cuộc sống. Thể hiện trên sự thay đổi về thu nhập, về hiệu quả canh tác, trong đời sống, bộ mặt nông thôn. Bức tranh nông nghiệp Hà Nội đã thấy được sự khác biệt”.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy cho rằng, kết quả đạt được là đáng mừng, nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng được những thách thức đặt ra đối với một nền nông nghiệp hiện đại, đương đầu với sự hội nhập, hàng hóa nông sản từ các nước tràn vào. Vì vậy, thời gian tới, ngành nông nghiệp nên quan tâm vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ giới hóa nông nghiệp, thu hoạch, bảo quản, không những nâng cao sản lượng mà còn chú trọng tới chất lượng.
Về công tác đầu tư, xây dựng NTM, Bí thư Thành ủy chỉ đạo, dù ngân sách TP đang khó khăn, nhưng những công trình, dự án trọng điểm, cấp bách cho khu vực nông thôn vẫn được ưu tiên. Theo Bí thư Thành ủy, xây dựng NTM là sự nghiệp khó khăn, gian khổ và đòi hỏi phải có quá trình, phải làm từng bước, phát triển đi đôi với tính bền vững.