Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt, lợi thế của nông nghiệp Hà Nội chính là sản xuất gắn với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ, làng nghề và du lịch.
Tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp Hà Nội đến năm 2020 vừa qua, các sở, ngành đã thống nhất xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, gắn với đô thị sinh thái, sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.
Phát huy thế mạnh từng vùng
Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, Hà Nội đã và đang hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung như chăn nuôi bò sữa ở Gia Lâm, Đông Anh, Quốc Oai, Ba Vì; trồng hoa cây cảnh ở Từ Liêm, Hoài Đức, Mê Linh; các vùng trồng rau như Vân Nội (Đông Anh), Văn Đức (Gia Lâm), Tiền Yên (Hoài Đức)... Rồi chăn nuôi gia cầm ở Chương Mỹ, nuôi trồng thủy sản ở Thanh Trì, Ứng Hòa... Không những thế, các sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội đang vươn tới những giá trị về chất lượng, dần có mặt tại các siêu thị để chiếm lĩnh thị trường. Trên cơ sở phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội thành phố đến năm 2020, Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Thanh Vân cho biết, định hướng phát triển của nông nghiệp Hà Nội sẽ lấy tiêu chí phát triển bền vững làm trọng tâm, không chạy theo tốc độ tăng trưởng mà coi trọng chất lượng của sự tăng trưởng.
Theo đó, ngành nông nghiệp sẽ bố trí các vùng sản xuất nông sản hàng hóa theo thế mạnh riêng của từng vùng. Trong đó, vùng sản xuất rau đậu thực phẩm, rau an toàn, rau cao cấp được tập trung phát triển ở Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn và các khu vực ven sông Đáy, bãi sông Hồng thuộc các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, Chương Mỹ... Vùng hoa, cây cảnh tập trung phát triển ở các huyện Mê Linh, Từ Liêm, Gia Lâm, Đan Phượng, Thường Tín với diện tích đạt khoảng 10 - 12.000ha vào năm 2020. Bố trí vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tập trung với quy mô khoảng 40.000ha đất canh tác, tập trung chủ yếu ở Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Ba Vì, Mỹ Đức… Các vùng cây ăn quả, sẽ tập trung đầu tư phát triển các loại quả đặc sản như cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn ở những vùng đồi gò. Tập trung chăn nuôi bò thịt thương phẩm tại các huyện vùng đồi gò, bò sữa tại Ba Vì.
Chuyển đổi mạnh cơ cấu
Để thực hiện được quy hoạch theo định hướng trên, ông Hoàng Thanh Vân cho biết, cần tập trung vào những vùng sản xuất chuyên canh để tạo ra những nông sản mũi nhọn, đồng thời tạo điều kiện đa canh trong nhóm nông sản nhằm khai thác tận dụng mọi lợi thế, bảo đảm cho sự ổn định bền vững ngành nông nghiệp. Cùng với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ, các địa phương cũng phải chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng. Cụ thể, giai đoạn 2010 - 2020 dự kiến chuyển đổi khoảng 4.000 - 5.000ha đất lúa vùng thấp trũng sang nuôi trồng thủy sản tập trung; chuyển 650ha trồng lúa khó khăn về nước tưới sang trồng cây lâu năm; chuyển 1.010ha đất lúa sang đất trồng cây hàng năm như rau màu, cỏ chăn nuôi...
Để nông dân không phải “tự bơi” khi tiêu thụ sản phẩm, thành phố sẽ đầu tư nâng cao năng lực dự báo thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện “liên kết 4 nhà” tiêu thụ nông sản cho nông dân. Dự kiến, tổng số vốn đầu tư phát triển nông nghiệp Hà Nội giai đoạn 2010 - 2020 là 41.451 tỷ đồng.
Theo dự thảo Quy hoạch tổng thể nông nghiệp Hà Nội đến năm 2015, tỷ trọng giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp chiếm khoảng 3 - 4% trong cơ cấu GDP toàn thành phố. Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2015 sẽ là 40% trồng trọt, 50% chăn nuôi, 10% thủy sản; đến năm 2020 là 34,5% trồng trọt, 54% chăn nuôi và 11,5% thủy sản. Diện tích đất trồng lúa theo quy hoạch sử dụng đất thành phố đến năm 2015 là 104.000ha, đến năm 2020 giữ ổn định ở mức 92,1.000ha. |